Quyền Được Bày Tỏ Cảm Xúc
. GS Phạm Duy Nghĩa (ĐHQGHN)
Xúc động hình như là cảm giác không chỉ riêng loài người mới có. Khi người Trung Hoa xây sân bay, bán vé du lịch và công khai thu nạp những vùng đất một thời đã của Việt tộc như quận huyện của họ, là con dân nước Việt ai chẳng nghẹn lòng. Quyền phản đối hành vi ngạo mạn ấy không chỉ dành riêng cho riêng người phát ngôn Bộ ngoại giao; một số tờ báo và dân biểu Đà Nẵng đã vang lên phản ứng của lòng dân.
Nhà nước, dù quyền uy đến mấy, cũng không thể thay được tiếng nói của cả một dân tộc khát khao quyền được sống, được tôn trọng và bảo toàn bờ cõi cho con cháu mai sau. Hình như trong cuộc tranh tồn tránh Hán hóa, chính quyền thời nào cũng phải dựa vào lòng dân và tồn tại bởi sức dân.
Giữ lấy quốc gia thời nay không thể chỉ duy nhất trông cậy vào nhà nước, một xã hội dân sự phát triển như trăm ngàn thành lũy mới mong giữ gìn được những gì đã thuộc về người Việt Nam. Anh bộ đội, chị nông dân, cô thợ, người tiêu dùng.. ai cũng yêu nước theo cách riêng của họ. Khi sách giáo khoa của người Nhật mới chớm có dấu hiệu lảng tránh sự thật Nam Kinh, dân Trung Quốc đã ầm ầm tẩy chay hàng Nhật, hà cớ gì không để người dân nước ta tập hợp hằng hà sa số các sức mạnh dân sự để biểu thị mối lo lắng cho không gian sinh tồn cho con cháu sau này.
Quan nhất thời, dân vạn đại, có thời nào một người phát ngôn của Chính phủ lại có quyền vui buồn thay cho hàng triệu nhân dân.