Bản án chưa từng có
Trà Mi, phóng viên RFA
2008-12-08
Diễn biến trong phiên xử như thế nào? Những điểm nào đặc biệt đáng chú ý trong phiên xử đó? Trà Mi trao đổi với bị cáo và thân nhân của họ có mặt tại toà hôm nay sau khi phiên xử kết thúc.
Bị can Đắc Hùng và Bà mẹ chị Nhi (được cõng đi) vào tòa. Photo courtesy Vietcatholic
Trà Mi trao đổi với bị cáo và thân nhân của họ có mặt tại toà hôm nay sau khi phiên xử kết thúc.
Máy dò soi được xử dụng để kiểm soát người tham dự
Ông Phạm Văn Không, chồng bị cáo Ngô Thị Dung, thuật lại:
Ông Phạm Văn Không : Sau vấn đề này gọi là công khai nhưng thực chất là phòng xử kín, mỗi một gia đình nạn nhân chỉ cho phép được một người thôi ạ.
Trà Mi : Và vì sao mà ông nghĩ rằng đây là phiên toà kín?
Ông Phạm Văn Không : Chưa có một phiên toà nào mà họ đặt máy dò soi tất cả những ai vào dự phiên toà như là mình đi qua cửa hàng không đấy à, cửa sân bay đấy. Mà cái máy thiết bị có uy thế và họ rà khắp từ trên người xuống.
Trà Mi : Dạ. Số lượng tham gia phiên toà có đông không, thưa ông?
Ông Phạm Văn Không : Toà đặc kín nhưng mà toàn là những người như hưu trí, tổ trưởng, tổ phó, thành phần không ưa gì tôn giáo, và họ đến đấy để họ cản trở công việc của mình, gần như một cuộc đấu tố 8 người giáo dân đấy.
Trà Mi : Vâng. Ông nói đấu tố tức là họ cũng có tham gia phát biểu ý kiến hay sao?
Ông Phạm Văn Không : Không ạ. Ví dụ như lời luật sư bào chữa cho bị cáo thì họ có vẻ họ bác bỏ.
Trà Mi : Tức là họ có tỏ thái độ phản ứng ngay trong phiên toà?
Ông Phạm Văn Không : Dạ vâng.
Ông Lân, chồng bị can Lê Thị Hợi, cho biết thêm:
Ông Lân : Hôm nay như vậy là buổi sáng 8 giờ cho đến lúc 12 giờ, rồi buổi chiều làm từ 1 giờ rưỡi đến khoảng 3 giờ là xong rồi. Có 3 loại hình phạt. Thứ nhất là phạt tù nhưng cho hưởng án treo và kèm theo hai mươi mấy tháng hay ba mươi tháng gì đó về thử thách. Thế còn một cái loại phạt cải tạo không giam giữ; nếu anh bị giữ 1 tháng thì anh được trừ đi 3 tháng. Thế còn trường hợp cháu Hải là cảnh cáo.
Tám bị can bị phạt cảnh cáo và cải tạo không giam giữ
Trà Mi : Những ai chịu hình phạt thứ nhứt và hình phạt thứ hai gồm những ai, thưa ông?
Ông Lân : Hình phạt thứ nhất là cô Nhi. Cô Nhi như vậy là 15 tháng tù, 24 tháng thừ thách, nhưng cho hưởng treo. Cô Dung 13 tháng tù, 22 tháng thử thách, cho hưởng treo. Ông Kiện 13 tháng tù, 22 tháng thử thách, cho hưởng treo. Bà Việt 12 tháng tù, 24 tháng thử thách, cho hường treo. Bà Hợi 15 tháng cải tạo không giam giữ, đã nhốt 29 ngày thì còn khoảng 12 tháng nữa thì hết. Ông Năng 12 tháng cải tạo không giam giữ, chỉ còn phải thi hành 11 tháng nữa. Hùng 12 tháng cũng trừ đâu được mười mấy ngày. Thế còn ông Hải thì coi như là phạt cảnh cáo. Tất cả các bài bản đều sắp hết cả rồi. Viện Kiểm Sát tổ chức lại thì cũng không đối nổi với luật sư, nhưng họ không sửa mà cứ giữ nguyên thôi.
Trà Mi : Thưa ông, tại phiên toà có giáo dân tham gia không ông?
Ông Lân : Chỉ có gia đình được vào thôi ạ. Gia đình chỉ được có một người thôi ạ. Giáo dân không được vào. Có vài ngàn người không được vào nhưng mà người ta yêu cầu phải thả, người nói là họ vô tội mà tại sao lại phạt. Còn cảnh sát , trật tự, rồi đặc nhiệm gì đấy thì ôi thôi nhiều lắm chị ạ.
Trà Mi : Thế ông nhận xét phiên toà này thì ông thấy có những đặc điểm gì mà ông muốn chía sẻ với công luận không?
Ông Lân : Tôi thì thấy rằng luật sư Lê Trần Luật có nói là cần phải nói tới nguồn gốc đất thì nó mới xảy ra sự việc của giáo dân người ta vi phạm, nhưng mà toà không cho nói. Họ chỉ dựa trên văn bản là đất thuộc quyền sở hữu nhà nước thì nhà nước muốn như thế nào là quyền của nhà nước.
Trà Mi : Thế còn những lập luận mà luật sư đưa ra thì phía toà có...
Ông Lân : Viện Kiểm sát phản bác, nhưng mà phản bác thì không rõ nét được.
Các bị can vẫn còn bức xúc
Trà Mi : Thưa ông, còn phía bên toà thì có những luận điểm nào của toà đưa ra mà phía bị can hoặc là người thân của bị can có những thắc mắc bức xúc không?
Ông Lân : Nói chung là tất cả 8 bị cáo này người ta đều phản đối, mặc dù trong công an bảo là người ta nhận, nhưng ra đây người ta bảo là vì bức tường đó không còn nữa thì không thể phạt người ta được. Cái bức tường nhà nước đã phá đi rồi thì không phạt được. Nhưng mà toà vẫn cứ lập luận theo sự buộc tội của công tố viên và họ kết tội thôi. Ví dụ người ta đưa ra cái đất thì toà bác đi không cho nói và bảo nếu muốn làm như vậy thì vào phiên toà khác, phải đi mà khiếu nại.
Trà Mi : Bây giờ với những bản án, kết qủa của phiên toà này, thì ông là người thân của bị cáo thì ông có cảm nghĩ như thế nào? Ông muốn chia sẻ không?
Ông Lân : Ở Việt Nam có những cái mà mình không thể hiểu được. Với luật pháp này thì mình có nói cũng không ăn thua, không giải quyết được cái gì cả. Nó không phải là cái luật như các nước mà mình có thể khiếu nại đòi sự công bằng.
Bản thân các bị cáo nhận xét ra sao về phiên toà và các bản án dành cho họ? Trà Mi hỏi thăm bà Ngô Thị Dung, một trong hai bị can bị biệt giam kể từ ngày 24/9:
Trà Mi : Tại phiên toà ngày hôm nay bà có được dịp lên tiếng để mà nói lên những điều mình muốn trình bày không?
Bà Ngô Thị Dung : Dạ ngắn gọn lắm ạ, toà không cho nói nhiều.
Trà Mi : Thế bà có những bức xúc gì mà bà muốn phản ánh sau phiên toà này không?
Bà Ngô Thị Dung : Trong phiên toà này xét xử thì tôi cũng không có bức xúc gì nhưng mà trong thời gian tôi bị tạm giữ thì tôi có nhiều bức xúc quá, tức là trong cuộc điều tra này người ta ép cung tôi quá nhiều, không dùng bạo lực nhưng mà dùng nhiều lời lẽ xúc phạm, không những xúc phạm đến tín ngưỡng tôn giáo của tôi mà còn xúc phạm đến bản thân tôi nữa. Tôi nói thật là tôi rất bức xúc trong thời gian tạm giữ.
Trà Mi : Kết qủa phiên toà ngày hôm nay, hình phạt đối với bà thì bà có cảm nghĩ gì, muốn chia sẻ hay không?
Bà Ngô Thị Dung : Tức là phạt tôi 15 tháng án treo nhưng mà tôi cảm thấy vẫn chưa thoả đáng với tôi bởi vì tôi vẫn nghĩ rằng phải xét xử tôi về dân sự chứ không thể xét xử tôi theo hình sự được.
Thưa quý thính giả, ngay sau phiên toà, Luật sư Lê Trần Luật, người tham gia biện hộ cho các bị cáo, cho chúng tôi biết các bản án như sau:
LS Lê Trần Luật : Tức là người ta vẫn kết án hai tội nhưng người ta chỉ phạt cảnh cáo và cải tạo không giam giữ, tức là đã được tự do hết. Đây là một mức án rất nhẹ, phải nói là rất nhẹ, mà chưa từng có, tức là cải tạo không giam giữ và cảnh cáo thôi, nhẹ hơn án treo, tức là 2 người án treo, 4 người là cải tạo không giam giữ và 1 người là cảnh cáo.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Update-on-the-trial-of-8-thaiha-parishioners-12082008122634.html