Hiến chương 08
(Linh Bát Hiến Chương)
Khánh Ðăng lược dịch từ bản Anh ngữ của Perry Link
Văn kiện dưới đây, gọi là Hiến chương 08 (Linh Bát Hiến Chương) do hơn 300 công dân có tiếng tăm ở Trung Quốc ký vào, được ấp ủ và viết ra trong sự khâm phục tận đáy lòng đối với những người sáng lập ra bản Hiến chương 77 ở Tiệp Khắc, là nơi mà vào năm 1977, hơn hai trăm nhà trí thức khoa bảng Tiệp Khắc đã lập ra một tập hợp công khai, không chính thức gồm nhiều người có cùng một ý chí, đoàn kết lại với nhau để tranh đấu cho nhân quyền và dân quyền ở đất nước họ và trên khắp thế giới.
Những công dân ký tên vào bản Hiến chương 08 bao gồm những người trong chính quyền lẫn dân sự, không phải chỉ có các nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng và giới trí thức khoa bảng, mà có cả các cán bộ trung cấp và thành phần lãnh đạo ở nông thôn. Họ chọn ngày 10 tháng 12, dịp kỷ niệm lần thứ 60 ngày công bố bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, là ngày để họ bày tỏ các ý kiến chính trị và phác thảo ra viễn kiến của họ về một nước Trung Hoa dân chủ và hợp hiến. Họ dự kiến rằng Hiến chương 08 sẽ được dùng như một bản thiết kế cho những thay đổi chính trị cơ bản ở Trung Quốc trong những năm sắp tới đây. Những người ký tên vào văn kiện này sẽ thành lập ra một nhóm không theo quy định nào, và không giới hạn số người tham gia, cùng đòan kết trong một quyết tâm để cổ xuý việc dân chủ hóa và bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc và khắp nơi.
Vào ngày 8 tháng 12, hai người nổi tiếng ký tên vào bản Hiến chương 08, nhà văn Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) và Học giả Trương Tổ Hoa (Zhang Zuhua) đã bị công an Trung Quốc bắt giữ. Ông Trương Tổ Hoa đã được thả vào ngày 9 tháng 12, còn ông Lưu Hiểu Ba vẫn còn bị giam giữ.
Dưới đây là Hiến chương 08 do Khánh Ðăng lược dịch từ bản Anh ngữ của Perry Link
Hiến chương 08
(Linh Bát Hiến Chương)
I. Lời Nói Ðầu
Một trăm năm đã trôi qua kể từ khi bản hiến pháp đầu tiên của Trung Quốc được viết ra. Năm 2008 cũng đánh dấu dịp kỷ niệm lần thứ 60 ngày công bố bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, kỷ niệm lần thứ 13 ngày Bức tường Dân chủ ở Bắc Kinh bị biến mất, và kỷ niệm lần thứ 10 ngày Trung Quốc ký kết bản Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị. Chúng ta đang tiến đến dịp kỷ niệm lần thứ 20 cuộc Thảm sát Thiên An Môn của các học sinh xuống đường biểu tình ủng hộ cho dân chủ. Người dân Trung Quốc, là những người đã cam chịu các thảm họa về nhân quyền và vô số sự vất vả trong suốt những năm tháng này, bây giờ gồm cả nhiều người đang nhìn thấy rõ rằng tự do, bình đẳng, và nhân quyền là những giá trị phổ quát của nhân loại, và dân chủ với một chính phủ hợp hiến là khuôn khổ cơ bản để bảo vệ những giá trị này.
Bằng cách tách rời khỏi những gía trị này, việc tiến hành công cuộc “hiện đại hóa” của chính phủ Trung Quốc đã chứng minh là một thảm bại. Chính phủ Trung Quốc đã tước đoạt khỏi người dân quyền làm người của họ, phá huỷ nhân cách, và làm hư hỏng mối quan hệ bình thường giữa con người với nhau. Cho nên chúng tôi thắc mắc rằng: Ðất nước Trung Quốc đang đi về đâu trong thế kỷ thứ 21? Có phải Trung Quốc sẽ tiếp tục công cuộc “hiện đại hóa” dưới chế độ độc tài, hay sẽ đón nhận những giá trị nhân bản phổ quát, tham gia vào cùng với dòng chính của các quốc gia văn minh, và xây dựng một chế độ dân chủ? Không thể nào tránh khỏi những câu hỏi này.
Những giao động của ảnh hưởng Tây phương trên Trung Quốc trong thế kỷ thứ 19 đã phơi bày trần trụi một hệ thống độc đoán suy tàn và đánh dấu sự khởi đầu của điều thường được gọi là “những thay đổi vĩ đại nhất trong hàng ngàn năm” cho Trung Quốc. Một “phong trào tự lực cánh sinh” đã theo sau, nhưng đơn giản chỉ nhắm riêng vào việc dùng kỹ thuật để đóng tàu vũ trang và những mục tiêu vật chất khác cho Tây phương. Trận hải chiến thất bại nhục nhã vào tay Nhật Bản năm 1885 chỉ xác minh thêm bản chất lỗi thời của hệ thống nhà nước Trung Quốc. Dự tính đầu tiên nhằm thay đổi sang một nền chính trị hiện đại đã đến với những cải cách ở mùa hè bất hạnh năm 1898, nhưng những cải cách này đã bị nghiến nát một cách tàn bạo bởi những kẻ bảo thủ cực đoan của toà án phong kiến Trung Hoa. Với cuộc cách mạng năm 1911, khai mào một nước cộng hoà đầu tiên ở Á Châu, hệ thống phong kiến độc đoán kéo dài hàng thế kỷ cuối cùng coi như bị chôn vùi. Nhưng xung đột xã hội bên trong đất nước chúng ta và những áp lực từ bên ngoài đã ngăn ngừa nó; Trung Quốc rơi vào một tình trạng chấp vá với những lãnh địa của các sứ quân và nước cộng hoà tân lập trở thành một giấc phù du.
Sự thất bại của cả “tự lực cánh sinh” lẫn cải tiến chính trị đã làm cho cha ông chúng ta phải suy ngẫm một cách sâu sa không biết có phải một “căn bệnh văn hóa” đã làm đau đớn tổ quốc mình hay không. Trạng thái này làm phát sinh ra, trong Phong trào 4 Tháng 5 ở cuối thập niên 1910s, cuộc tranh đấu cho “khoa học và dân chủ”. Nhưng nỗ lực đó cũng bị đắm chìm vì loạn sứ quân dai dẳng và cuộc xâm lăng của Nhật Bản [bắt đầu ở Mãn Châu vào năm 1931] đã đưa đến cuộc khủng hoảng tòan quốc.
Chiến thắng chống Nhật Bản vào năm 1945 giúp cho Trung Quốc có thêm một cơ hội để tiến đến một nhà nước hiện đại, nhưng việc Cộng sản đánh bại Quốc gia trong cuộc nội chiến đã xô đẩy cả nước vào vực thẳm của chủ nghĩa độc tài. Nước “Trung Quốc mới” xuất hiện vào năm 1949 tuyên bố rằng “nhân dân làm chủ” nhưng thực ra đã xếp đặt ra một hệ thống trong đó “Ðảng nắm tất cả mọi quyền lực”. Ðảng Cộng sản Trung Quốc chiếm đoạt quyền kiểm soát tất cả các tổ chức nhà nước và các tiềm lực chính trị, kinh tế, xã hội, và dùng các tiềm lực này để sản xuất ra một vệt dài các thảm họa nhân quyền, mà trong đó, cùng với nhiều thứ khác như chiến dịch Chống Cánh Hữu (1957), chiến dịch Ðại Nhẩy Vọt (1958–1960), cuộc Cách mạng Văn hóa (1966-1969), cuộc Thảm sát Thiên An Môn ngày 4 Tháng 6 (1989), và sự trù dập hiện nay đối với tất cả các tôn giáo không có phép hoạt động của nhà nước, và đàn áp phong trào weiquan [một phong trào nhắm vào mục đích bảo vệ những quyền lợi của công dân đã được chính thức công bố trong Hiến pháp Trung Quốc, và tranh đấu cho nhân quyền đã được thừa nhận bởi các công ước quốc tế mà chính phủ Trung Quốc đã ký kết]. Qua những sự kiện này, người dân Trung Quốc đã phải trả một cái giá vô cùng to lớn. Hàng triệu người bị thiệt mạng, và hàng thế hệ phải chứng kiến tự do, hạnh phúc và nhân phẩm con người bị chà đạp tàn bạo.
Trong hai thập niên cuối của thế kỷ thứ 20, chính sách “cải cách và mở cửa” của chính phủ đã giúp cho người dân Trung Quốc bớt đi nỗi khổ sở vì nghèo đói và tình trạng chuyên chế độc đoán lan tràn khắp nơi trong thời kỳ Mao Trạch Ðông, đồng thời đem lại sự gia tăng rất đáng kể về vật chất và tiêu chuẩn đời sống cho rất nhiều người Trung Quốc cũng như một phần nào đó khôi phục lại tự do và quyền lợi về kinh tế. Xã hội dân sự bắt đầu tiến triển, và nhiều tiếng nói rất phổ biến kêu gọi thêm cho quyền lợi và tự do chính trị gia tăng nhanh chóng. Trong khi giới quyền cao chức trọng chuyển về hướng tư hữu và kinh tế thị trường, họ đã bắt đầu từ hoàn toàn bác bỏ “các quyền con người” sang nhìn nhận một phần nào các quyền này.
Vào năm 1998 chính phủ Trung Quốc đã ký kết hai văn kiện nhân quyền quốc tế quan trọng; vào năm 2004 họ đã sửa đổi hiến pháp để thêm vào câu “tôn trọng và bảo vệ nhân quyền”; và trong năm nay, 2008, họ đã hứa hẹn sẽ đề xướng một “kế hoạch hành động cho nhân quyền trên toàn quốc”. Nhưng thật là bất hạnh, hầu hết các tiến bộ chính trị này không vượt ra khỏi tờ giấy mà nó được viết lên. Ðiều thực tế về chính trị, rất đơn giản cho mọi người cùng thấy, là Trung Quốc có rất nhiều luật, nhưng lại không được cai trị bằng luật pháp; họ có một hiến pháp, nhưng không có một chính phủ hợp hiến. Thành phần quyền cao chức trọng tiếp tục bám víu vào quyền lực độc đoán và chống lại bất cứ hành động nào nhắm vào việc thay đổi chính trị.
Những kết quả rất lố bịch là quốc nạn tham nhũng lan tràn, một nền pháp trị bị xói mòn, nhân quyền yếu kém, đạo đức suy đồi, tư bản bè phái, sự bất bình đẳng giữa kẻ giàu người nghèo ngày càng gia tăng, sự cướp phá các môi trường thiên nhiên cũng như các môi trường của con người và lịch sử, một danh sách dài về những bất đồng trong xã hội đang trầm trọng, nhất là trong thời gian gần đây, mối oán thù giữa cán bộ nhà nước và người dân càng thêm sâu sắc.
Những bất đồng và khủng hoảng này hơn lúc nào hết đang tăng thêm mức độ căng thẳng, và giới cầm quyền không bị mất mát gì vẫn tiếp tục đè nát và tước mất của người dân quyền được tự do, được sở hữu tài sản và được mưu cầu hạnh phúc, chúng ta nhìn thấy thành phần không có quyền thế trong xã hội –những kẻ yếu đuối, là những người đã bị đàn áp và theo dõi, những người đã phải chịu đựng các hành động tàn ác và thậm chí cả tra tấn, và những người không có một lối thoát thích đáng nào để phản kháng, không tòa án nào nghe lời kêu nài của họ– đang trở nên hung hãn hơn và có khả năng phát động ra một cuộc xung đột dữ dội với một thảm hoạ khôn lường. Sự tàn tạ của hệ thống hiện thời đã tiến đến lúc thay đổi không còn là một sự lựa chọn.
II. Những Nguyên Tắc Cơ Bản Của Chúng Tôi
Ðây là lúc lịch sử cho Trung Quốc, và tương lai của chúng ta đang treo lơ lửng. Trong khi nhìn lại tiến trình hiện đại hóa chính trị qua hàng trăm năm qua hoặc hơn, chúng tôi xin nhắc lại và tán thành những giá trị phổ quát căn bản như sau:
Tự do. Tự do là cốt lõi của giá trị nhân bản phổ quát . Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do sống nơi mình muốn sống, và tự do bãi công, biểu tình, phản đối cùng với nhiều thứ tự do khác, là những hình thức mà quyền tự do cần có. Không có tự do, Trung Quốc sẽ luôn luôn đứng cách xa những lý tưởng văn minh
Nhân quyền. Nhân quyền không phải do nhà nước ban cho. Mọi người đều sinh ra với quyền thừa hưởng về phẩm cách và tự do. Chính phủ chỉ tồn tại để bảo vệ quyền làm người cho công dân của họ. Việc thi hành quyền lực nhà nước phải do nhân dân định đoạt. Những thảm họa chính trị liên tục trong lịch sử gần đây của Trung Quốc là hậu quả trực tiếp của việc chế độ cầm quyền bất chấp không đếm xỉa gì đến nhân quyền.
Bình đẳng. Sự chính trực, phẩm cách, và tự do cuả tất cả mọi người—bất kể địa vị xã hội, nghề nghiệp, phái tính, điều kiện kinh tế, sắc tộc, màu da, tôn giáo, hay lập trường chính trị—đều giống nhau. Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật và bình đẳng trong xã hội, kinh tế, văn hoá, dân sự và quyền lợi chính trị phải được tôn trọng.
Cộng hoà. Nền cộng hoà nắm giữ quyền lực phải được cân xứng trong các ban ngành khác nhau của chính phủ và việc tranh đua vì lợi ích phải được đáp ứng, giống như lý tưởng chính trị truyền thống của Trung Hoa “Thiên hạ bình đẳng”. Nền cộng hoà cho phép các nhóm lợi ích, các tổ chức xã hội khác nhau, và những người từ các nền văn hóa tín ngưỡng khác biệt, được thực hiện quyền dân chủ tự trị và bàn thảo nhằm mục đích tiến đến một giải pháp ôn hoà cho những vấn đề chung trên căn bản tự do, đồng đều, tranh đua ngay thẳng trong việc tham gia vào chính phủ.
Dân chủ. Nguyên tắc cơ bản nhất của dân chủ là người dân làm chủ, và người dân chọn lựa chính phủ cho mình. Dân chủ có những đặc điểm sau: (1) Quyền lực chính trị bắt đầu từ người dân và tính chính đáng của một chế độ bắt nguồn từ người dân. (2) Quyền lực chính trị được thực hiện qua những lựa chọn mà người dân đã xếp đặt. (3) Những người nắm giữ các chức vụ quan trọng chính thức trong chính phủ ở tất cả các cấp được xác định qua các cuộc tranh đua bầu cử theo định kỳ. (4) Trong khi tôn trọng ý muốn của đa số, thì phẩm cách, tự do và quyền làm người cơ bản của thiểu số phải được bảo vệ. Một cách ngắn gọn, thì dân chủ là phương tiện hiện đại để đạt đến một chính phủ thật sự là “của dân, do dân và vì dân”.
Hiến trị. Hiến trị là sự cai trị bằng một hệ thống pháp luật và những quy tắc của pháp luật để thi hành những nguyên tắc được ghi rõ ràng trong hiến pháp. Hiến trị có nghĩa là bảo vệ tự do và quyền lợi của công dân, giới hạn và định rõ phạm vi quyền lực chính đáng của chính phủ, và cung cấp cho chính quyền các cơ quan cần thiết để phục vụ cho những mục đích này.
III. Những Ðiều Chúng Tôi Cổ Vũ
Chủ nghĩa độc tài nói chung đang suy tàn trên toàn thế giới; ở Trung Quốc cũng thế, thời kỳ của các hoàng đế và chúa tể đang biến mất. Thời cơ đang đến khắp nơi cho các công dân làm chủ lấy đất nước mình. Ðối với Trung Quốc, con đường để đưa chúng ta ra khỏi tình trạng khó khăn hiện thời là tự gạt bỏ khái niệm độc đoán của việc lệ thuộc vào một “chúa tể” hoặc một “quan chức”, và thay vào đó quay sang một hệ thống tự do, dân chủ, và pháp trị, đồng thời tiến đến việc khuyến khích cổ vũ cho ý thức của các công dân mới, là những người xem quyền con người là cơ bản và việc góp phần vào là một nhiệm vụ. Theo đó, và trong tinh thần của nghĩa vụ này như những công dân có trách nhiệm và tinh thần xây dựng, chúng tôi xin đưa ra những đề nghị sau về việc cai quản đất nước, về quyền công dân, và phát triển xã hội.
1. Một Hiến Pháp Mới. Chúng ta nên đúc kết lại bản hiến pháp hiện thời, huỷ bỏ những điều khoản trái ngược với nguyên tắc quyền làm chủ phải thuộc về người dân và biến bản hiến pháp thành một văn kiện bảo đảm thật sự cho nhân quyền, uỷ quyền việc thực hiện quyền lực công cộng, và phục vụ như một nền tảng để giúp chống đỡ cho việc dân chủ hóa Trung Quốc. Hiến pháp phải là luật cao nhất trong nước, nằm ngoài tầm ảnh hưởng của bất cứ cá nhân, phe nhóm hoặc đảng phái chính trị nào.
2. Phân Chia Quyền Lực. Chúng ta nên xây dựng một nhà nước hiện đại, trong đó việc phân chia các quyền lập pháp, tư pháp, và hành pháp được bảo đảm. Chúng ta cần có một Ðạo luật Hành chánh để định rõ ra phạm vi trách nhiệm của chính phủ và ngăn ngừa việc lạm dụng quyền lực hành chánh. Chính phủ phải có trách nhiệm đối với người đóng thuế. Việc phân chia quyền lực giữa các chính quyền địa phương và trung ương phải tôn trọng triệt để nguyên tắc quyền lực trung ương là những quyền được hiến pháp đặc biệt trao cho, và tất cả các quyền lực khác thuộc về các chính quyền địa phương.
3. Dân Chủ Lập Pháp. Thành viên của các cơ quan lập pháp ở tất cả các tầng lớp phải được lựa chọn bằng bầu cử trực tiếp, và dân chủ lập pháp phải tuân theo các nguyên tắc công bình và vô tư.
4. Tòa Án Ðộc Lập. Tinh thần pháp trị phải nằm trên mọi quyền lợi của bất cứ một đảng phái chính trị nào, và các thẩm phán phải độc lập. Chúng ta cần thiết lập một toà án hiến pháp tối cao và lập ra những thủ tục để duyệt xét lại hiến pháp. Càng sớm càng tốt, chúng ta nên huỷ bỏ tất cả các Uỷ ban Chính trị và Pháp vụ hiện đang cho phép các đảng viên Ðảng cộng sản các cấp được quyết định các trường hợp chính trị nhạy cảm. Chúng ta nên nghiêm cấm chặt chẽ việc dùng các công sở vào mục đích tư nhân.
5. Kiểm Soát Công Khai Công Chức Nhà Nước. Quân đội phải chịu trách nhiệm trước chính phủ, chứ không phải trước một đảng phái chính trị nào, và phải có tính chuyên nghiệp hơn nữa. Các sĩ quan binh sĩ phải tuyên thệ trung thành với hiến pháp và duy trì một thái độ vô tư không đảng phái. Nghiêm cấm các tổ chức đảng phái chính trị không được dính dáng đến quân sự. Tất cả các quan chức nhà nước kể cả công an phải phục vụ trong tư cách vô tư không đảng phái, và cái thói quen hiện thời thiên vị về một đảng phái chính trị trong việc thuê mướn công chức làm việc cho nhà nước phải chấm dứt.
6. Bảo Ðảm Nhân Quyền. Phải có sự bảo đảm nghiêm chỉnh cho nhân quyền và tôn trọng phẩm giá con người. Phải có một Uỷ ban Nhân quyền, chịu trách nhiệm trước cơ quan lâp pháp cao nhất, để ngăn ngừa chính phủ lạm dụng quyền lực công cộng vào việc vi phạm nhân quyền. Ðặc biệt là một Trung Quốc dân chủ và hợp hiến phải bảo đảm quyền tự do cá nhân cho các công dân. Không một ai bị bắt buộc phải chịu đựng những sự bắt bớ, giam cầm, hạch hỏi, buộc tội hoặc trừng phạt một cách trái phép. Chính sách “Giáo dục cải tạo lao động” phải được huỷ bỏ.
7. Bầu Cử Các Chức Vụ Nhà Nước. Phải có một hệ thống bầu cử dân chủ toàn diện đặt căn bản trên “mỗi người một lá phiếu”. Việc bầu cử trực tiếp các chức vụ đứng đầu các cơ quan hành chánh các cấp ở các quận huyện, tỉnh thành, và toàn quốc phải được thực hiện một cách có hệ thống. Quyền tổ chức và tham gia các cuộc bầu cử tự do theo định kỳ của công dân phải gắn liền với nhau.
8. Bình Ðẳng Giữa Nông Thôn Và Thành Thị. Chế độ đăng ký hộ khẩu theo hai tầng lớp phải được huỷ bỏ. Chế độ này thiên vị cư dân thành thị và gây tác hại cho dân chúng ở nông thôn. Thay vào đó chúng ta nên thiết lập một hệ thống cho phép mọi công dân đều có quyền lợi giống nhau trước hiến pháp và quyền tự do như nhau trong việc lựa chọn nơi sinh sống.
9. Tự Do Thành Lập Hội Ðoàn. Quyền tự do của công dân được thành lập các hội đoàn phải được bảo đảm. Chính sách hiện thời về việc đăng ký các tổ chức phi chính phủ, đòi hỏi tổ chức đó “phải được nhà nước chấp thuận”, phải được thay thế bằng một hệ thống trong đó các tổ chức chỉ cần đơn giản tự đăng ký. Việc thành lập các đảng phái chính trị nên được quản lý bởi hiến pháp và theo luật định, có nghĩa là chúng ta phải huỷ bỏ các đặc ân dành cho một đảng phái được độc quyền nắm giữ quyền lực, và bảo đảm cho nguyên tắc tự do thẳng thắn tranh đua giữa các đảng phái chính trị.
10. Tự Do Hội Họp. Hiến pháp quy định rằng việc tụ họp ôn hòa, biểu tình, phản đối và tự do bày tỏ tư tưởng là những quyền cơ bản của một công dân. Ðảng cầm quyền và chính phủ không được phép nhúng tay vào can thiệp trái phép hoặc gây trở ngại trái với hiến pháp.
11. Tự Do Bày Tỏ Tư Tưởng. Chúng ta phải làm cho quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, và tự do học hỏi được phổ biến, do đó bảo đảm rằng mọi công dân đều được thông tin và có thể thực hiện quyền giám sát chính trị của mình. Các quyền tự do này nên được nâng đỡ bằng một Luật Báo Chí nhằm huỷ bỏ tất cả các hạn chế chính trị trên báo chí. Ðiều khoản hiện hành trong Bộ Luật Hình Sự nhắc đến “tội kích động lật đổ quyền lực nhà nước” phải được huỷ bỏ. Chúng ta nên chấm dứt cái thói quen coi chữ nghĩa là tội ác.
12. Tự Do Tôn Giáo. Chúng ta phải bảo đảm cho quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng và tiến hành việc tách rời tôn giáo ra khỏi nhà nước. Chính phủ không được phép can thiệp vào các hoạt động tôn giáo ôn hòa. Chúng ta phải huỷ bỏ bất cứ mọi luật lệ, quy định hoặc phép tắc địa phương nào làm giới hạn hoặc cấm đoán quyền tự do tôn giáo của công dân. Chúng ta phải huỷ bỏ cái chính sách hiện hành đòi hỏi các tổ chức tôn giáo (và nơi thờ phượng của họ) phải xin phép được chính quyền chấp thuận trước, và thay thế bằng một hệ thống, trong đó việc đăng ký và những ai muốn đăng ký, là do tự động lựa chọn.
13. Giáo Dục Công Dân. Trong các nhà trường chúng ta phải huỷ bỏ các môn học và kiểm tra chính trị được đề ra để nhồi sọ tư tưởng của nhà nước vào đầu các học sinh, và làm thấm nhuần sự ủng hộ cho quyền cai trị độc đảng. Chúng ta phải thay thế các môn học chính trị này bằng môn giáo dục công dân để thăng tiến các giá trị phổ quát và các quyền của người dân, nuôi dưỡng ý thức công dân và khuyến khích các đức tính nhằm phục vụ cho xã hội.
14. Bảo Vệ Tài Sản Tư Nhân. Chúng ta phải thiết lập và bảo vệ quyền tư hữu tài sản, và đề xướng ra một hệ thống kinh tế thị trường tự do và công bằng. Chúng ta phải huỷ bỏ việc nhà nước độc quyền trong thương mãi, kỹ nghệ và bảo đảm quyền tự do khai trương ra một doanh nghiệp mới. Chúng ta nên thiết lập một Uỷ ban Tài sản Nhà nước, báo cáo cho quốc hội rằng sẽ giám sát và chuyển nhượng các doanh nghiệp quốc doanh sang cho tư nhân làm chủ, trong một phương cách cạnh tranh thẳng thắn, và trật tự. Chúng ta phải tiến hành một chính sách cải cách ruộng đất nhằm khuyến khích quyền tư hữu đất đai, bảo đảm quyền tự do được mua bán đất đai, và cho phép giá trị thật sự của tài sản tư nhân được phản ánh tương xứng trên thị trường.
15. Tài Chánh Và Cải Cách Thuế Vụ. Chúng ta phải thiết lập một hệ thống tài chánh công cộng có trách nhiệm theo quy định dân chủ để bảo đảm cho quyền lợi của người đóng thuế được bảo vệ và hoạt động dưới các thủ tục pháp lý. Chúng ta cần một hệ thống mà trong đó, tất cả các nguồn thu nhập công cộng thuộc về một cấp chính quyền nào đó —trung ương, tỉnh thành, quận huyện hoặc địa phương— được kiểm soát ở cấp đó. Chúng ta cần một cuộc cải cách thuế vụ quan trọng để huỷ bỏ bất cứ các loại thuế bất công nào, đơn giản hóa hệ thống thuế vụ, và chia sẻ gánh nặng thuế má một cách đồng đều. Quan chức chính phủ không được phép gia tăng thuế má, hoặc đặt ra những loại thuế mới, nếu không có sự bàn thảo công khai và được một quốc hội dân chủ chấp thuận. Chúng ta nên cải cách chính sách về quyền sở hữu nhằm mục đích khuyến khích sự tranh đua khắp nơi của nhiều thành phần tham gia thị trường khác nhau.
16. An Sinh Xã Hội. Chúng ta phải thiết lập một hệ thống an sinh xã hội công bằng và thích ứng để che chở cho tất cả các công dân, và bảo đảm cho các đường lối căn bản dẫn đến giáo dục, chăm sóc y tế, an sinh hưu trí và việc làm.
17. Bảo Vệ Môi Trường. Chúng ta cần bảo vệ môi trường thiên nhiên và khuyến khích phát triển bằng một phương cách có thể chịu đựng được và có trách nhiệm đối với con cháu chúng ta cũng như toàn nhân loại. Ðiều này có nghĩa là đòi hỏi nhà nước và quan chức các cấp không chỉ làm những gì họ phải làm để đạt được những mục tiêu này, nhưng cũng phải chấp nhận sự giám sát và tham gia của các tổ chức phi chính phủ.
18. Một Cộng Hoà Liên Bang. Một nước Trung Quốc dân chủ phải tìm cách hành động như một cường quốc quan trọng có trách nhiệm để góp phần vào nền hoà bình và phát triển ở khu vực Á Châu Thái Bình Dương, bằng cách tiếp xúc với những quốc gia khác trong tinh thần bình đẳng và thẳng thắn. Tại Hong Kong và Macao, chúng ta phải ủng hộ những quyền tự do đã có sẵn ở đó. Về vấn đề Ðài Loan, chúng ta phải tuyên bố cam kết những nguyên tắc tự do dân chủ, và sau đó, thương lượng trong tư cách bình đẳng, và sẵn sàng thoả hiệp để tìm một công thức cho sự thống nhất trong hoà bình. Chúng ta phải giải quyết các mối bất đồng trong các khu vực dân tộc thiểu số ở Trung Quốc với một đầu óc rộng mở, tìm kiếm những phương cách để tạo ra một cơ cấu có khả năng làm việc, mà trong đó tất cả các nhóm thiểu số và tổ chức tôn giáo có thể phát triển. Cuối cùng chúng ta nên nhắm vào mục tiêu một liên bang các cộng đồng dân chủ Trung Quốc.
19. Sự Thật Trong Hòa Giải. Chúng ta phải hồi phục lại uy tín cho tất cả mọi người kể cả thân nhân của họ, những người đã phải chịu đựng nhiều vết nhơ trong các chiến dịch đàn áp chính trị trong qúa khứ, hoặc những người bị gán cho là thành phần tội phạm vì tư tưởng, lời nói hoặc tín ngưỡng của họ. Nhà nước nên bồi thường cho những người này. Tất cả các tù nhân chính trị và lương tâm phải được trả tự do. Nên có một Uỷ ban Ðiều tra Sự thật với nhiệm vụ tìm kiếm sự thật và xác định trách nhiệm về những nỗi bất công và hành động tàn bạo trong qúa khứ, duy trì công lý, và trên những căn bản này, tìm kiếm sự hoà giải xã hội.
Trung Quốc là một quốc gia quan trọng trên thế giới, là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và là một thành viên của Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, phải đóng góp vào nền hòa bình nhân loại và tiến bộ về nhân quyền.
Nhưng bất hạnh thay, tư thế của chúng ta hôm nay lại là quốc gia duy nhất trong các quốc gia quan trọng vẫn còn sa lầy trong vũng bùn của độc tài chính trị. Hệ thống chính trị của chúng ta tiếp tục gây ra những thảm họa nhân quyền và khủng hoảng xã hội, do đó, không những chỉ bóp chặt sự phát triển của chính Trung Quốc, nhưng còn giới hạn sự tiến bộ của tất cả các nền văn minh nhân loại. Ðiều này phải được thay đổi, thật sự là phải được thay đổi. Việc dân chủ hóa nền chính trị Trung Quốc không thể để lâu hơn.
Vì thế, chúng tôi gắng sức đưa tinh thần vào hành động bằng cách công bố Hiến chương 08. Chúng tôi hy vọng rằng đồng bào của chúng tôi, những người cùng có những cảm nhận tương tự về sự khủng hoảng, tinh thần trách nhiệm, và sứ mệnh, cho dù là họ đang ở trong hay ngoài chính quyền, bất kể đến địa vị xã hội, sẽ gạt những mối bất hoà nhỏ nhoi sang một bên để nắm lấy những mục tiêu to lớn của phong trào công dân này. Cùng với nhau, chúng ta có thể làm việc cho những thay đổi quan trọng trong xã hội Trung Quốc, và nhanh chóng thiết lập một quốc gia tự do, dân chủ và hợp hiến. Chúng ta có thể đem lại cho thực tế những mục tiêu và lý tưởng này mà đồng bào chúng ta đã không ngừng tìm kiếm suốt hơn một trăm năm, và có thể mang lại một chương rực rỡ mới cho nền văn minh Trung Quốc.