Ðiều tra về Việt Nam



Ðiều tra về Việt Nam

Simon Roughneen, ISN Security Watch 5/12/08, Khánh Ðăng lược dịch

Những người Công giáo biểu tình phải đối diện với một phiên tòa đầy kịch tính trong khi chiến dịch đàn áp tôn giáo và quyền tự do báo chí của chế độ Hà Nội vẫn tiếp tục. Simon Roughneen viết cho ISN Security Watch (*)

Một sự chạm trán đang xảy ra giữa nhà nước Việt Nam và Giáo hội Công giáo ở tình thế này sẽ đụng đầu nhau vào bất cứ ngày nào, là loạt mới đây trong một chiến dịch đàn áp liên tục của nhà cầm quyền đối với quyền tự do bày tỏ tư tưởng ở Việt Nam, một quốc gia độc đảng do Ðảng cộng sản cai trị.




Tám giáo dân ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà tại Hà Nội sẽ phải đối diện với cái thực ra là một phiên toà xử kín, dự trù sẽ khởi đầu nay mai, mặc dù ngày bắt đầu chưa được thông báo chính xác. Nhóm người trên đã bị cáo buộc là “phá hoại tài sản nhà nước và gây rối trật tự công cộng”

Các bị cáo đã tham dự vào hầu như cả một năm dài cầu nguyện ở nhà thờ Thái Hà, để phản đối điều mà các giáo dân Công giáo cho là nhà nước đã chiếm đoạt đất đai của Giáo hội.

Kể từ cuối năm 2007, đã có nhiều buổi cầu nguyện trên khắp thành phố, khi 6 triệu người Công giáo Việt Nam phản đối âm mưu của nhà nước biến Toà Khâm sứ cũ ở Hà Nội thành một công viên. Nhưng vào Tháng Chín, phản ứng của nhà nước đã quay sang bạo động, với cảnh sát chống bạo động, roi điện và hơi cay được dùng để chống các cuộc tụ họp. Cán bộ nhà nước đã công khai lên án Ðức Tổng Giám mục Hà Nội, dùng chiến thuật bôi nhọ trên báo chí quốc doanh như một âm mưu để lôi kéo những người Công giáo khác chống lại những giáo dân biểu tình và các vị giám mục có liên quan.

Các luật sư đại diện cho hai người biểu tình –bà Nguyễn Thị Nhi, 46 tuổi, và Ngô Thị Dung, 54 tuổi– nói rằng họ đã bị từ chối không được vào gặp gỡ các phụ nữ trên, hiện đang chờ phiên xử ở bên trong nhà tù Hoả Lò, được biết đến nhiều hơn bằng cái tên Hanoi Hilton, nơi ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ John McCain đã từng bị giam giữ như một tù binh trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn đài BBC, luật sư Lê Trần Luật nói rằng nhìn từ quan điểm pháp lý thì tội danh phá hoại tài sản nhà nước là sai lầm vì ông có “đầy đủ bằng cớ để chứng minh rằng khu đất đó thuộc về họ [các giáo dân]”.

Ông Luật nói thêm, “Bức tường [mà họ phá bỏ] đã được xây dựng bất hợp pháp trên phần đất của họ”, và “họ có đầy đủ thẩm quyền để phá bỏ nó”. Vì thế, “chính phủ không thể buộc tội họ là phá hoại tài sản nhà nước”

Chiến dịch đàn áp bất đồng chính kiến lan rộng

Ông Carl Thayer là một nhà quan sát các vấn đề Việt Nam đồng thời cũng là một giáo sư thỉnh giảng ở trường Ðại học Quốc gia Úc Ðại Lợi. Ông đang ở Hà Nội và cho ISN Security Watch biết rằng nhà nước Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thử thách khác bên cạnh các buổi cầu nguyện của người Công giáo, và hiện đang trù dập nhiều tiếng nói bất đồng chính kiến khác.
Không những nhà nước chỉ phản ứng kịch liệt đối với các buổi cầu nguyện của người Công giáo, mà họ còn bắt đầu trở lại một chiến dịch phỉ báng bôi nhọ đối với nhiều giáo phái Phât Giáo không đứng chung vào với giáo hội nhà nước và các nhóm được coi như không thuộc về giáo hội Tin Lành quốc doanh.

Và chiến dịch đàn áp đã lan rộng khắp nơi, bây giờ đang nhắm vào những tiếng nói có ý kiến phê phán trong giới truyền thông báo chí.

Ông Thayer cho ISN Security Watch
(*) biết: “Nhà nước Việt Nam đang mạnh tay với các nhà báo và tổng biên tập, là những người đã đưa tin tức về các vụ xì-căng-đan tham nhũng. Các ký giả và công an cung cấp tin tức cho họ đã bị xét xử và kết án vì ‘lạm dụng quyền lực’. Các biện pháp trừng trị đã được thực hiện đối với các tổng biên tập và nhiều tờ báo khác”.

Một nhà báo có nhiều tiếng tăm đã bị bỏ tù hồi Tháng Mười vì đưa tin về một vụ xì-căng-đan tham nhũng có liên hệ đến nhiều cán bộ cao cấp, xử dụng tiền viện trợ nước ngoài để đánh cá có độ ăn thua cao vào các trận bóng đá ở Anh Quốc. Ông Nguyễn Việt Chiến, một ký giả của tờ Thanh Niên, đã bị kết án 2 năm tù vì vạch trần vụ xì-căng-đan trên, một công việc mà tòa án lại tuyên bố là “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.

Từ đó, có thêm hai vụ hối lộ gây nhiều tranh cãi đã xuất hiện, một vụ có liên quan đến một quan chức của Uỷ ban Nhân dân TPHCM, và vụ kia liên quan đến việc buôn lậu sừng tê giác ở Nam Phi.

Kinh tế chậm chạp

Nền kinh tế chậm chạp của Việt Nam đang gây ra nhiều nỗi kinh hoàng trong giới cai trị cộng sản cao cấp. Bộ chính trị coi động lực kinh tế là một yếu tố cần thiết cho hệ thống kiểm soát chặt chẽ của họ.

Giới cai trị cộng sản Việt Nam đang đi một theo đường lối gọi là thân thuộc với Trung Quốc, ghép đôi cải cách kinh tế thị trường có chọn lọc với tiếp tục độc tài chính trị. Các luận điệu che mắt -chẳng hạn như công cuộc đổi mới hồi thập niên 1980s- không mang một ý nghiã giảm bớt nào cho nhà nước độc đảng.

Nhưng năm 2008 đã cho thấy một tỷ lệ tăng trưởng chậm chạp gây ra bởi nạn lạm phát cao ngất và tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Các khó khăn kinh tế hiện thời cuả Việt Nam khiến Bộ chính trị phải đích thân nắm lấy sự kiểm soát hầu bao tài chánh và việc hoạch định chính sách, cũng theo ông Carl Thayer thì, “có nhiều lúc đã đưa ra các chỉ thị về chính sách kinh tế cho chính phủ”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng coi như là đang bị gạt qua một bên, với các quan chức trong đảng lo ngại rằng sự phối hợp giữa tình trạng kinh tế trì trệ và bất đồng chính trị có thể tạo ra một thử thách cho quyền lãnh đạo lâu dài của họ.

Vấn đề tranh chấp với Giáo hội Công giáo có thể bị Ðảng cộng sản coi như là một thách thức không thể chịu đựng nổi đối với quyền hạn của nhà nước trong lúc nền kinh tế đang yếu kém.

Bị Hà Nội đưa đẩy

Một cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ được biết qua danh xưng Uỷ ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Thế giới (USCIRF) đã phác thảo ra những nét đại cương trong bản phúc trình gần đây nhất về Việt Nam rằng, “trong tất cả các trường hợp bắt bớ, bỏ tù và các hình thức tạm giữ khác gần đây nhất, thì các vị lãnh đạo tôn giáo và các nhà vận động cho tự do tôn giáo đã tham gia vào các hành động được bảo vệ bởi các văn kiện nhân quyền quốc tế”

Nhưng điều này không luôn luôn được phản ánh trong chính sách của Hoa Kỳ, như bà Uỷ viên Nina Shea đã nêu rõ trên ISN Security Watch vào Tháng Mười.

“Một thí dụ rõ ràng về vấn đề giao thương đã giành được thắng lợi như thế nào trên sự quan tâm cho tự do tôn giáo, đã xảy ra vào năm 2006, trước thềm chuyến viếng thăm của Tổng thống Bush đến Việt Nam tham dự một hội nghị thượng đỉnh về kinh tế, khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tháo gỡ Việt Nam khỏi danh sách của họ về các nước bách hại tôn giáo tồi tệ nhất trên thế giới”, bà Shea nói.

Nhưng không phải chỉ có Hoa Kỳ mới bị Hà Nội đưa đẩy. Một khung cảnh giả tạo về việc nới lỏng hạn chế tôn giáo đã giúp cho nhìều quốc gia có được một cái cớ cần thiết để ủng hộ cho đơn xin gia nhập của Việt Nam vào Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO), và Việt Nam vẫn là một nước đang nhận hàng trăm triệu Âu kim (Euro) từ các nguồn viện trợ song phương.

Chế độ Hà Nội đã đoạt được một ghế tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào năm 2008, nơi mà họ đã phối hợp với Trung Quốc và Nga Sô để phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an nhằm lên án chiến dịch đàn áp tàn bạo của nhà độc tài Robert Mugabe đối với thành phần đối lập ở Zimbabwe, sau khi bầu cử đã được tổ chức ở quốc gia Châu Phi này vào mùa xuân năm nay.



Nhà nước Việt Nam mời gọi du khách nước ngoài đến thăm viếng
các đền thờ chùa chiền, trong khi vẫn đàn áp tôn giáo

Vài mức độ về sự đồng loã cũng có thể quy vào cho những kẻ đi du lịch ngây thơ, đã cúng hiến thêm cho chế độ hàng triệu đô la lợi tức mỗi năm, với khoảng 3 triệu du khách vào năm 2007, và nhiều người trong những du khách ngoại quốc này được đưa đẩy đến thăm viếng nhiều đền thờ chùa chiền khác nhau ở trong nước.

Nhà lãnh đạo dân chủ ở Miến Ðiện, bà Aung San Suu Kyi, đã nài xin khách du lịch đừng đến thăm viếng đất nước của bà, vì nó chỉ đơn thuần cúng hiến cho tập đoàn quân phiệt của tướng Than Shwe thêm sự chính đáng và lợi nhuận. Mặc dù tình trạng áp bức ở Việt Nam không quá khắt khe như ở Miến Ðiện, nhưng phiên tòa đầy kịch tính xử những người tham dự cầu nguyện này có nghĩa rằng, đây có lẽ là lúc để chúng ta xem xét một biện pháp tương tự đối với Việt Nam.

Ông Long S Le đang giảng dạy khoa nghiên cứu học Việt Nam ở Trường Ðại học Houston, đã vạch rõ ra cái thái độ đạo đức giả rất trớ trêu về lập trường của nhà nước cộng sản trên ISN Security Watch: “Nhà nước Việt Nam quảng bá truyền thống tôn giáo của đất nước bằng cách mời gọi du khách nước ngoài đến Việt Nam thăm viếng các vương cung thánh đường, chùa chiền, đền thờ, trong khi đó các tổ chức tôn giáo vẫn đang bị ngược đãi”.

(*) INS Security Watch là một tạp chí phân tích tin tức trên mạng internet của tổ chức Mạng lưới Quan hệ An ninh Quốc tế (International Relations and Security Network), một dịch vụ thông tin mở rộng vô vụ lợi dành cho các chuyên gia về quan hệ và an ninh quốc tế

http://www.isn.ethz.ch/isn/Current-Affairs/Security-Watch/Detail/?fecvnodeid=106590&fecvid=33&v21=109293&lng=en&v33=106590&id=94423