Đằng sau vụ án các nhà báo – Roger Mitton


Đằng sau vụ án các nhà báo – Roger Mitton magnify

Bài gốc:

Vietnam: Behind the Journalists’ Jailings

Written by Roger Mitton, asiasentinel.com, Friday, 24 October 2008

Bình luận của đài RFI:

Vụ án các nhà báo là hệ quả tranh chấp nội bộ

giữa phe bảo thủ và phe cải tổ trong đảng cộng sản

Bảo Thạch, Đức Tâm - RFI

« Đằng sau vụ án các nhà báo ». Đây là tựa đề bài viết của ký giả Roger Mitton đăng báo trực tuyến asiasentinel.com, ngày hôm nay. Điều trớ trêu là hai nhà báo, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Văn Hải, những người viết bài về vụ tham nhũng ở PMU 18 thuộc bộ Giao thông và hai sĩ quan cao cấp trong ngành công an phụ trách điều tra vụ này là tướng Phạm Xuân Quắc, thượng tá Đinh Văn Huynh, lại phải ra tòa.

Theo bài báo, đây là dấu hiệu cho thấy có sự đấu đá quyết liệt bên trong đảng cộng sản và phe bảo thủ đang thắng thế phe cải cách.

Đại diện cho phe cải cách là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhóm các nhà kỹ trị, có đấu óc cải tổ, mở cửa. Đa số xuât thân từ miền Nam hoặc được đạo tạo trong các trường đại học phương Tây. Phe này tập trung vào việc phát triển kinh tế, thu hút đầu tư. Còn bên kia là phe bảo thủ trong đó nhiều người có gốc gác miền Bắc hoặc miền Trung. Nhóm này đặt vấn đề ổn định đất nước lên trên hết. Họ giám sát chặt chẽ mọi cải cách kinh tế, chính trị nhằm ngăn ngừa mối đe dọa nhắm vào sự độc tôn lãnh đạo của đảng cộng sản.

Theo asiasentinel, đảng cộng sản đã đề ra « luật chơi » trong cái gọi là cuộc chiến chống tham nhũng: Không một bộ trưởng hay ủy viên Trung Ương nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bị tố cáo hoặc đưa ra xét xử về tội tham nhũng, nếu không có sự chấp thuận của bộ Chính Trị. Thế nhưng, việc phát giác vụ tham nhũng PMU 18 đã không tuân thủ « luật chơi » này. Nó xảy ra trong giai đoạn chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng lần thứ 10, năm 2006. Ông Đào Đình Bình, ủy viên Trung Ương đảng, bộ trưởng giao thông vận tải, người có triển vọng vào bộ Chính Trị, đã phải từ chức. Thứ trưởng bộ Giao thông Nguyễn Việt Tiến, có thể vào ủy viên Trung Ương thì bị bắt. Thiếu tưóng cảnh sát Cao Ngọc Oánh bị điều tra về tội chạy án và đã lỡ chuyến tàu vào ban chấp hành Trung Ương.

Vấn đề chính ở đây, là hai sĩ quan cảnh sát điều tra đã cung cấp thông tin về tham nhũng cho báo chí trong khi chưa được lãnh đạo đảng bật đèn xanh. Tuy nhiên, theo nhận định của giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, thuộc đại học George Masson, Virginia, Hoa Kỳ thì trong bộ Công an cũng có đấu đá. Nhìn rộng ra, chính quyền lo ngại là nếu công an tự tiện cung cấp thông tin về tham nhũng cho báo chí thì hầu như toàn bộ các đảng viên sẽ lâm nguy.

Phản ứng của phe bảo thủ rất mạnh mẽ. Cách nay vài tháng, khi hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải bị tạm giam, nhiều tờ báo lên tiếng phản đối. Ngay lập tức, một số lãnh đạo của tờ Tuổi Trẻ và Thanh Niên đã bị rút thẻ nhà báo. Tại phiên tòa, thẩm phán tòa án nói thẳng rằng thông tin do bộ Công an cung cấp là bất hợp pháp và các thông tin này đã làm tổn hại uy tín của một số cán bộ cấp cao, thúc đẩy người dân có cái nhìn tiêu cực về các lãnh đạo của chính phủ. Nói một cách khác, từ nay trở đi, các nhà báo bị cấm tiếp nhận các thông tin liên quan đến tệ nạn tham nhũng trong hàng ngũ đảng viên, đặc biệt là các lãnh đạo.

Trong vụ trấn áp báo chí, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không thể làm được gì, thậm chí vai trò của ông bị lu mờ, vị trị của ông bị đe dọa bởi sự vươn lên của ông Trương Tấn Sang, ủy viên bộ Chính Trị, thường vụ ban Bí Thư Trung Ương đảng. Chính ông Sang là người chỉ đạo, thúc giục xét xử các nhà báo và các nhà ly khai, với lý do là cần phải nhanh chóng ổn định chính trị trong thời điểm có khó khăn về kinh tế.

Tuy nhiên, một chuyên gia về Việt Nam được tờ báo trích dẫn, nhận định là rất khó phân biệt phe bảo thủ và cải tổ và những ai thuộc phe nào. Cuộc đấu đá nội bộ không phải vì sự khác biệt trong hệ tư tưởng mà vì quyền lực và bổng lộc kinh tế do quyền lực đem lại.