Cao Hành Kiện - Ngòi bút và bạo chúa


Cao Hành Kiện  - Ngòi bút và bạo chúa magnify

Cao Hành Kiện

Ngòi bút và bạo chúa

Trích Diễn văn Nobel văn chương của Cao Hành Kiện

do tác giả đọc tại Hàn lâm viện Thụy điển ngày 10.12.2000

Bản dịch của Nguyễn Tiến Văn

chk-soul-mountain

Loài người chẳng phải nhất định là đi từ tiến bộ này tới tiến bộ khác. Lịch sử, ở đây tôi không thể không nói tới lịch sử văn minh nhân loại, nào đâu có đồng hành với văn minh. Từ sự đình trệ của châu Âu thời Trung cổ tới lục địa châu Á thời Cận đại suy bại và hỗn loạn, đến hai lần đại chiến thế giới trong thế kỉ 20, các thủ đoạn giết người cũng ngày càng tinh vi. Tiến bộ của khoa học kĩ thuật nào có nhất định đưa loài người ngày càng văn minh hơn đâu.

Lấy một thứ chủ nghĩa khoa học để giải thích lịch sử, hoặc là lấy sử quan xây dựng trên cái biện chứng hư huyễn để diễn dịch, đều không thể thuyết minh hành vi con người. Cái lòng cuồng nhiệt hơn một thế kỉ về một xã hội không tưởng và một cuộc cách mạng liên tục ngày nay đã tan thành tro bụi, khiến cho những ai sống sót làm sao khỏi đắng cay?

Phủ định của phủ định đâu nhất thiết dẫn tới khẳng định. Cách mạng đâu có đem lại kiến thiết, với cái tiền đề cho xã hội không tưởng của thế giới mới, là phế trừ cái thế giới cũ đi. Lập luận cách mạng xã hội ấy cũng đem áp dụng vào văn học, mang khu vườn vốn là sáng tạo biến thành chiến trường, đả đảo người xưa, giầy xéo văn hóa truyền thống, tất cả bắt đầu từ con số không, chỉ mới là tốt, lịch sử văn học cũng bị giải thích là một sự lật nhào liên tục.

Nhà văn thật sự không thể đóng nổi vai chúa tể sáng tạo thế giới, cũng chẳng thể tự mình thổi phồng làm Ki tô, như thế chỉ làm tinh thần mình thác loạn thành người điên, mà còn biến thế giới thành ảo giác, toàn thể ngoài bản thân thành luyện ngục, và tự nhiên mình cũng không sống nổi. Tha nhân cố nhiên là địa ngục: nếu bản ngã mất kiểm soát, lẽ nào chẳng thế? Khoan nói việc tự mình biến thành tế vật cho tương lai, mà còn đòi người khác theo sau làm vật hi sinh.

chk-war

Lịch sử của thế kỉ 20 này chẳng cần vội vàng kết luận; không chừng còn sa vào trong cái khung mồ ma của loại ý hệ này nọ, thì lịch sử ấy đã uổng viết ra rồi, người sau ắt tự biết sửa sang cho phải.

Nhà văn cũng không phải là tiên tri. Điều quan trọng là sống trong hiện tại, không để mắc lừa, bỏ hết vọng tưởng, nhìn cho rõ giờ này phút này, đồng thời nhìn kĩ bản thân. Bản thân cũng là một mớ hỗn độn và khi tra hỏi cái thế giới này cùng là tha nhân thì đồng thời cũng không ngại mà quay nhìn chính mình. Tai nạn và áp bách thường cố nhiên tới từ bên ngoài mình, nhưng chính sự hèn nhát và hoảng loạn của con người cũng thường làm gia tăng thống khổ, mà còn tạo thêm bất hạnh cho kẻ khác.

Hành vi của loài người khó giải là như thế, hiểu biết của con người về chính mình còn chưa được tỏ tường, văn học chẳng qua chỉ là cái nhìn chăm chú của con người vào tự thân, và trong lúc xem ngắm ấy ít nhiều nẩy sinh một sợi tơ ý thức óng ánh soi rõ tự thân.

Văn học chẳng nhằm lật đổ mà quí ở phát hiện và mở phơi những gì hiếm được biết, hoặc được biết chưa nhiều, hoặc tưởng là biết nhưng kì thực biết chẳng rốt ráo về cái chân tướng của cõi người này. Sự chân thực e rằng chính là phẩm cách gốc rễ không thể bứng đi được của văn học.

Cái thế kỉ mới kia đã tới rồi, nó có mới thực hay chẳng mới hãy khoan bàn, cách mạng văn học và văn học cách mạng cùng theo với sự băng hoại của ý hệ nói chung cũng nên chấm dứt luôn. Cái ảo ảnh về xã hội không tưởng giam hãm hơn một thế kỉ cũng đã tan thành mây khói. Văn học sau khi cởi hết sự trói buộc của chủ nghĩa này hoặc chủ nghĩa kia, còn phải quay về với cảnh ngộ khốn khổ của đời người, mà cái cảnh khổ của đời người nào có thay đổi là bao, vẫn rành rành là chủ đề muôn thuở của văn học.

Thời đại này chẳng có tiên tri cũng chẳng có hứa hẹn, và tôi cho như thế đâu phải là tồi. Nhà văn sắm vai tiên tri hay quan tòa cũng nên chấm dứt thôi. Một thế kỉ vừa qua, bao nhiêu tiên tri đều thành ra lừa đảo. Lại đi chế tạo mê tín mới đối với tương lai, chẳng bằng chùi mắt mà chờ xem. Cũng chẳng bằng nhà văn quay về với địa vị chứng nhân, hết sức trình ra cái chân thật.

chk-codon

Nói thế không phải là muốn văn học ngang hàng với ghi chép hiện thực. Ta nên biết, những chứng từ thực lục cung cấp rất ít sự thật như thế, mà lại thường che giấu những nguyên nhân và động cơ gây thành sự kiện. Còn khi văn học tiếp cận sự thật, từ nội tâm con người đến quá trình của sự kiện đều mở phơi không sót. Đó là sức mạnh vốn có của văn học, chừng nào nhà văn khai mở trạng huống chân thực của đời sống con người mà không lăng nhăng bịa đặt.

Cao Hành Kiện

(Chép lại vì nhớ đến Điếu Cày 1 tuần trước ngày ra Phúc thẩm)