Đôi Điều Góp Ý Với Dân Báo – CLBNBTD


Họ Là Ai?

Nhân dịp lướt mạng để đọc tin về bạn Điếu Cày, trên trang Web Dân Báo, trên trang Blog CLBNBTD, và trên nhiều trang Blogs khác, tình cờ túm cổ được đôi ba nhận xét thấy cần phải đệ đạt, kiến nghị cùng quý anh chị em nghiệp dư làm báo, như sau:

1. Thiếu Quân Bình

Phần lớn các bài tường thuật đều tập trung gần như toàn bộ dữ kiện vào Nạn Nhân, rất ít dữ kiện về Thủ Phạm. Xin mời các bạn cùng đọc lướt lại các bài viết tiêu biểu sau đây sẽ thấy tính chất thiếu quân bình vừa nêu là một thiệt thòi rất lớn cho Nạn Nhân: Người đọc nắm vững mọi dữ kiện ngóc ngách về Nạn Nhân (tộc danh, nick trên mạng, tuổi tác, nhân thân, trình độ, nghề nghiệp, hình ảnh, địa chỉ, gia cảnh, sinh hoạt, thói quen…), nhưng hoàn toàn mù tịt về Thủ Phạm.

Tóm Tắt Vụ Án Nguyễn Văn Hải “Trốn Thuế”,

Tổng Hợp Những Sách Nhiễu Của Công An…,

Các thành viên của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do ở Sài Gòn bị trấn áp!,

Blogger Điếu cày - Hoàng Hải bị bắt tại Đà Lạt (20/04/08)

Riêng trong bài Tường thuật việc khám nhà Điếu Cày, chỉ có 2 dòng nói về thủ phạm, nhưng cũng khá mơ hồ: ông Bé Tám thuộc công an phường 6, quận 3, và ông Hiền, nguyên phó trưởng phường, trước đây là công an khu vực”… & … một người mặc thường phục, được biết tên là Long, người của PA35 hùng hổ tiến vào chỉ trỏ cho nhân viên của mình lục lọi trong nhà trong khi chưa có mặt nhân chứng nào”.

Ở một bài khác, “Chơi Dơ” – “Màn kịch” dở và “diễn viên” tồi, có ghi tên họ một quan chức liên hệ, nhưng đó lại là một người được tác giả nhận xét trung thực là …khá tốt: “Trong quá trình làm việc ông Trung tá CSGT (Thái Đăng Tân) này ít ra cũng có điểm thành thực và đàng hoàng đấy chứ”. Còn những người không tốt thì độc giả lại không được hân hạnh biết tên vá các thông tin liên quan.

Do đó, độc giả cảm nhận hoàn toàn nỗi đau của nạn nhân khi đọc những đoạn: Họ cưỡng chế; Họ bẻ tay; Họ xích còng; Họ quẳng lên xe; Họ giật chìa khóa; Họ tịch thu điện thoại di động; Họ quát nạt; Họ đập bàn… Nhưng, để có thể nắm vững toàn bộ nội dung Ai sách nhiễu? Ai trấn áp?… Người đọc cần biết chi tiết cụ thể: Họ Là Ai? Ở đâu? Tên gì? Mấy đứa? Cấp bậc? Chức vụ? Cơ quan nào? Hình ảnh? Điện thoại số mấy, để có thể phỏng vấn?… Ví dụ như Trung tá Đinh Thanh Nhàn, Phó thủ trưởng cơ quan CSDT-CAQ3, tác giả bản Kết luận Điều tra, hoặc, Lưu Đức Quang, Phó viện trưởng VKSNDQ3, tác giả bản Cáo Trạng về trường hợp Điếu Cày, chẳng hạn.

2. Hồ Sơ Lưu

Điếu Cày sẽ “ra tòa” sáng mai, ngày 10-9-2008, với những tập hồ sơ dày cộm và 1 bản án mỏng teng làm sẵn đút túi chánh án. Ở chiều ngược lại, tập thể thường dân làm báo, tức các phóng viên Dân Báo chúng ta cũng cần một số dữ kiện cho bài báo quân bình, và cũng để “lưu hồ sơ” về các thủ phạm đã tạo ra các loại bản án làm sẵn đó, theo đúng kỹ thuật tường thuật: 4W+H (Where -ở đâu?, When -lúc nào?, What -điều gì xảy ra?, Who –ai liên hệ?, How -chuyện xảy ra thế nào?). Đặc biệt là yếu tố “Ai?” mà chúng ta thường bỏ quên một phía và tạo ra câu hỏi nói trên: Họ Là Ai? Có khi chúng ta chưa có ngay những chi tiết về Thủ Phạm, nhưng, những bức hình của Thủ Phạm vẫn có thể giúp cho độc giả bổ xung dữ kiện về sau, qua các comments theo sau bài tường thuật có ghi lời nhờ cậy. Cũng là một cách nối dây trao đổi, sẻ chia, giữa độc giả với tác giả.

Ngay cả khi trích dẫn các bài báo chính quy mạ lỵ nạn nhân, nếu biết các dữ kiện về tác giả cũng nên phụ lục thêm cho bàn dân thiên hạ cùng rõ Họ Là Ai? Ví dụ như trường hợp Xuân Hồng, tác giả bài “Khởi tố kẻ trốn thuế cho thuê nhà” trên báo CAND 21.4.2008, chẳng hạn.

3. Mở Vòng Tay Đón

Đó là những kỹ thuật giúp cho chính chúng ta vượt ra khỏi nguyên tắc “bảo vệ giới quyền chức” quen thuộc trên các bài báo chính quy hàng nửa thế kỷ nay.

Người đọc cần biết những dữ kiện ngang bằng nhau, về cả Nạn Nhân lẫn Thủ Phạm. Không chỉ trong phạm vi vụ án khủng bố Điều Cày, mà là hết cả nhưng vụ trù dập khủng bố khác, đặc biệt là đối với Dân Oan.

Đó cũng là những kỹ thuật được sử dụng rộng rãi tại Đông Đức, cụ thể là tại Đông Bá Linh, vào những năm cuối của thập kỷ 80, đã tạo ra hiệu ứng chùn tay từ phía Thủ Phạm, và đã góp phần không nhỏ vào diễn trình dân chủ hóa Đông Đức, tiến đến thống nhất nước Đức vào đầu thập kỷ 90: Thủ Phạm xuất hiện với đầy đủ lễ bộ => Thủ Phạm tự tháo bảng tên khi đối mặt với dân => Thủ Phạm nhìn ảnh và đọc tên của mình trên truyền đơn (ngày nay là trên Webs/Blogs) => Thủ Phạm tự mở cho chính mình và gia đình mình một cánh cửa an toàn mai hậu… => Thủ Phạm nhận hoa/thuốc lá từ những người biểu tình khi đối mặt => Thủ Phạm quay về với đại khối Nạn Nhân, nhận lệnh đàn áp nhưng không thi hành.

Hãy giúp cho đồng bào cả nước nhìn rõ mặt, bắt rõ tên những Nạn Nhân đang đóng vai Thủ Phạm, và giúp họ quay về với đại khối Nhân Dân trước khi quá muộn.

9-9-2008 – đêm trước phiên tòa áp án Điếu Cày

Đinh Tấn Lực – Chung cư Nguyễn Thiện Thuật – Q3 – TP/HCM.