Tam Sa Chí Diễn Nghĩa

Bản tin ngày chủ nhật 09-12-2007 của hãng thông tấn AP có nhiều điểm cực lạ và rất đáng suy ngẫm: Bá quyền phương Bắc xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa => Thanh niên sinh viên Việt Nam biểu tình phản đối việc xâm chiếm => Công an Hà Nội dàn quân ra giải tán sinh viên.

truongsa01.jpg

Chuyện Ta, Tây Kể

Bản tin AP cũng nêu một vài nhận xét khá sát thực tế:

Một là, vụ biểu tình kiểu này là cực hiếm. Quả thật vậy. Năm 2003, khi cần phản đối Mỹ tiến đánh hậu cần khủng bố tầm quốc tế ở Iraq, chính quyền Hà Nội đã tổ chức biểu tình chống Mỹ. Còn các cuộc biểu tình của dân oan đòi đất thì thường bị giải tán, gọi là để giữ hình ảnh ổn định. Cuộc biểu tình ngày 09/12 này, tương tự như lần sinh viên biểu tình phản đối hải quân Hoa Lục bắn chết ngư phủ Thanh Hóa, đều chạm phải chính sách ngoại giao khấu tấu của Hà Nội, và cần dẹp ngay, gọi là để giữ nguyên 16 chữ vàng mà Bắc Kinh đã ban cho. “Long Live VietNam” thì được. Chứ còn “Down With China” thì nhất định không! Trăm ngàn lần không! Nói cho rõ ra, khi mà đảng ta tự vỗ ngực đồng hóa với Việt Nam, thì muốn trường tồn, không thể nào mở miệng đả đảo quan thầy như vậy được.

Hai là, thanh niên sinh viên đã kêu gọi cùng nhau xuống đường bằng phương tiện hiện đại: sử dụng các trang nhật ký mạng (blogs) và tin nhắn nhanh (SMS – text messages). Đây là điều xưa nay chưa từng xảy ra ở Việt Nam. Chí ít là chưa từng phổ cập đại trà như lần này. Sinh viên xuống đường, tập trung trước đại sứ quán Trung Quốc nằm trên đường Hoàng Diệu ở Hà Nội, và cả trước lãnh sự quán nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai ở Sài Gòn. Họ hô vang những khẩu hiệu phản đối TQ, giành chủ quyền về phía Việt Nam.

Ba là, phản ứng của Hà Nội: thay vì lên tiếng và tỏ thái độ chống lại sự kiện xâm chiếm lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, thì lãnh đạo ta quay ra bịt miệng sinh viên đang chống lại “bọn bá quyền bành trướng phương Bắc”, bằng cách chỉ thị cho CA phóng loa hăm dọa tịch thu xe máy của sinh viên để giải tán đoàn người yêu nước tham dự biểu tình. Số lượng công an tương đương với số sinh viên biểu tình. Họ xuất hiện trong 4 màu áo (không kể thường phục), và có cả công an cơ động dàn hàng ngang bảo vệ đại sứ quán Trung Quốc.

ca-baovesuquantq.jpg

Trưởng Thành Hơn Lãnh Đạo

Đã có những bản tin và hình ảnh về hai cuộc biểu tình này lên mạng toàn cầu. Một số hình ảnh do ông Nguyễn Phương Anh ở Hà Nội cung cấp. Một số hình ảnh khác tràn lên các blogs cá nhân và không ghi chữ ký bản quyền của tác giả.

Điều này khiến người ta liên tưởng đến những cuộc biểu tình ở Miến Điện gần đây: hầu hết hình ảnh thời sự là do thanh niên sinh viên chụp bằng máy ảnh bỏ túi hoặc bằng điện thoại di động có camera rồi tải lên mạng, trong lúc phóng viên của các hãng thông tấn quốc tế chịu thua trước hàng rào công an mật vụ sở tại. Các em ở đây mô tả tình trạng phóng viên không chụp được ảnh này là: “Bó Tay chấm com”. Điều này cũng thể hiện một sinh khí mới, một vai trò mới của tuổi trẻ Việt Nam:

Khi lãnh đạo bị quan thầy bịt miệng thì nhân dân lên tiếng thay, bất kể là trước đó nhân dân bị chính nhà nước bịt miệng trường kỳ (cả ở nhà lẫn ở tòa và có chụp ảnh để đời).

Khi lãnh đạo chứng tỏ là kẻ hèn nhát nhất vào lúc đất nước đối diện với quân xâm lược, như thể ngọn roi “Giáo Trừng” 1979 còn nguyên đó, thì tuổi trẻ nô nức xuống đường và gióng tiếng bày tỏ thái độ ngay tức khắc.

Khi lãnh đạo nắm trọn 600 tờ báo in, hàng trăm đài truyền thanh truyền hình, hàng trăm trang mạng, nhiều hệ thống điện thoại… nhưng đến cơn quốc biến thì cả lũ câm như hến, trong lúc sinh viên lên blogs và bấm máy gọi nhau xuống đường bày tỏ thái độ bảo vệ nền tự chủ nước nhà.

Khi lãnh đạo cầm trong tay cả bộ quốc phòng thì lại bị Bắc Kinh trói gô chỉ bằng một cú điện. Ngược lại, nhà nước lại dàn trận công an để đối phó với những người in tờ rơi cổ võ ý niệm đấu tranh bất bao động trong nước, và điều động cả bốn loại công an sắc phục để giải tán cuộc biểu tình lên tiếng của sinh viên phản đối TQ chiếm đảo.

Khi lãnh đạo cho lên trang nhất của hàng chục tờ báo về một khẩu súng ngắn do chính công an cài đặt vào hành lý Việt kiều, coi đó như một đe dọa an ninh quốc gia, thì lại tắt tiếng trước quân xân lược bá quyền phương Bắc công khai xâm chiếm lãnh thổ nước nhà, và còn ra lệnh cho các giám hiệu đe dọa sinh viên (công văn của Hà Quang Thụy, Hà Nội), hoặc tìm cách chuyển hướng sinh viên (Phó chủ tịch UBND Sài Gòn Nguyễn Thành Tài).

Nói chung là lãnh đạo cần học hỏi phong cách sống của sinh viên. Phải gắng trưởng thành!

Lại Chuyện Ba Sa

Trong một cuộc phỏng vấn hồi cuối tháng 10, 2007 của tờ báo điện tử VietnamNet, một nữ giáo sư trường Harvard đã nhận định: “Việt Nam có khả năng thuyết phục các quốc gia khác, ngay cả trong tình huống cam go“. Bà Regina Abrami, có 3 năm sống tại VN, được mô tả là một giáo sư có nhiều công trình nghiên cứu về Trung Quốc và VN.

Tuy nhiên, vấn đề thời sự mới nhất của VN đối với TQ đã khiến cho nhiều người đọc phải ngờ vực về nhận định vừa kể, nếu người ta chưa kịp quên chuyến công du Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào những ngày cuối tháng 10 vừa qua.

clip_image001.jpg

Không ai biết rõ nội dung trao đổi giữa ông Dũng và các quan chức TQ ra sao, chỉ biết rằng vài tuần sau đó thì mọi người đuợc tin Quốc Vụ Viện Bắc Kinh hợp thức hóa cả Hoàng Sa, Trường Sa và Trung Sa, gọi chung là Tam Sa.

Có người cột chung một giuộc hai vấn đề của đảng và nhà nước ta: Sau đận ba sa biến vào tay Mỹ, nay đến lượt ba sa mất về tay Tàu.

Nếu đúng thế thì quả thật, Giáo sư Regina Abrami đã nhận định không sai: “Việt Nam có khả năng thuyết phục các nước khác“. Từ công hàm của Phạm Văn Đồng năm 1959 tới Nguyẽn Tấn Dũng năm 2007. Cả hai đều là thủ tướng chính phủ. Điều này, theo bản tin AFP, đã được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng xác nhận: “Việt Nam có một chính sách không thay đổi trong việc giải quyết các bất đồng liên quan đến mặt biển trên cơ sở tôn trọng luật pháp và thực tiễn quốc tế“. Mới hay trọng lượng của 16 chữ vàng bằng Hán tự đè bẹp lãnh đạo ta dường nào.

Một trong rất nhiều kỹ thuật để thyết phục nước ngoài là bịt miệng dàn báo đảng trong nước, nhân danh “ổn định”, và để bày tỏ lòng tuyệt đối “hữu nghị”. Đã có một số bài báo bị lột khỏi mạng trong đêm qua, về tội tường trình các cuộc biểu tình của sinh viên. Nghe đâu vẫn Tuổi Trẻ bị ghè trước tiên.

Hóa ra bà Regina Abrami chưa từng đọc báo chui VN.

Đơn Xin Yêu Nước

Trong khi chờ đợi khai hóa thêm cho bà giáo sư kinh doanh, nhà nước VN phải khẩn cấp đối phó với các sinh viên và đồng bào tham gia biểu tình “làm mất ổn định và làm nhạt tình hữu nghị” trước đại sứ quán TQ ở Hà Nội. Trước hết, người phát ngôn Lê Dũng khẳng định rằng đó là những cuộc biểu tình tự phát và chưa được phép của nhà nước CHXHCNVN. Nói cách khác, đảng và nhà nước ta không chịu trách nhiệm về tinh thần gây bất ổn và làm mất lòng đó.

Diễn giải thêm, đó là do lỗi thiếu sót của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền: Không quy định về quyền yêu nước. Do đó, đảng CSVN tự ý tu chính bằng một luật mới cực kỳ đậm đà bản sắc dân tộc, rằng: Muốn yêu nước phải làm đơn xin phép. Tất cả những hành động bày tỏ lòng yêu nước và đòi hỏi sự toàn vẹn lãnh thổ mà không có giấy phép đều được coi là phạm pháp.

Như vậy, rõ ràng là đảng và nhà nước ta không hề nhu nhược: Quý ông bà Trần Tiến Dũng, Nguyễn Đình Bổn, Thận Nhiên, Lynh Bacardi, Tuấn Khanh, Nguyễn Tiến Trung, Điếu Cày… cùng thành viên CLB Nhà báo Độc lập và các sinh viên tham dự biểu tình ngày 09/12/2007 đều là những can phạm về tội yêu nước không giấy phép. Họ bị câu lưu thẩm vấn để làm rõ động cơ yêu nước.

ca-codongtichthubieungu2.jpg

Những can phạm khác, cả sinh viên lẫn dân oan, không tiện nêu tên vì quá đông, thì bị biện pháp vây hãm tại chỗ là cấm mua nước uống, bị công an ghi tên, hoặc bị cấm tiến vào khu vực có biểu tình.

Những Bàn Thắng Đẹp

Đội tuyển Sinh Viên-Dân Oan đã ghi nhiều bàn thắng đẹp ngay trước ngày kỷ niệm 59 năm ra đời bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, và có vẻ đội tuyển Đảng-Nhà Nước khó có cơ hội gỡ huề:

Một là, sinh viên VN đã hành xử quyền tự do phát biểu một cách chính danh, minh bạch. Ngay trên môi trường mạng, blogs, nhắn nhanh… và cả băng rôn biểu ngữ cùng những lời hô vang dội trên đường phố và trong hội trường: “Thanh Niên Việt Nam độc lập! Thanh niên Việt Nam đoàn kết! Thanh niên Việt Nam tiến lên!” .

Hai là, sinh viên VN đã tự tập họp 600 người trước đại sứ quán TQ ở Hà Nội và 500 người trước tổng lãnh sự quán TQ ở Sài Gòn, tức là 220 lần nhiều hơn con số ấn định của nhà nước về luật tập họp.

Ba là, sinh viên VN đã nêu gương sáng cho hơn mười ngàn ký giả phóng viên chính quy, thông qua những bài tường trình trên mạng và các trang nhật ký mạng đạt mức tối đa góp ý của bè bạn bốn phương, kể cả bằng hữu ở nước ngoài, trong một thời gian kỷ lục. Họ đã cùng nhau ký tên vào một bản tuyên cáo chung. Đây là bước đầu của một nền báo chí quần chúng: mỗi công dân là một phóng viên.

Bốn là, sinh viên VN đã chấm dứt các buổi biểu tình trong ôn hòa, trật tự và giữ vệ sinh trên toàn khu vực, biểu hiện một sự hiểu biết cao độ về các kỹ thuật đấu tranh bất bạo động từng được áp dụng thành công rất nhiều nơi trên thế giới. Đó cũng chính là điều đáng ngẫm của lực lượng công an hiện diện tai khu vực. Họ cũng đã ngầm bày tỏ thiện cảm với những sinh viên nhiệt tình nói lên được lòng yêu nước mà chính họ không có điều kiện phát biểu trong tình huống này.

Năm là, số dân oan tham gia cùng sinh viên biểu tình cũng tỏ rõ được những bức xúc không phải chỉ là vấn đề mất đất của cá nhân hay gia đình mình, mà cao cả hơn, đó là nỗi phẫn hận về tình trạng quốc gia bị mất đất về tay ngoại bang. Đây chính là đầu mối của những chiến dịch tẩy chay hàng hóa và dịch vụ của TQ trong nay mai.

Sáu là, sinh viên cùng dân oan dự trù tổ chức một cuộc biểu tình kế tiếp vào cuối tuần này. Nghe đâu nhà nước cũng đã có một số dự trù “điều hợp ẩn tế” để giữ “quân bình” cho mối giao hảo với Bắc Kinh và không trở thành đích nhắm phẫn nộ của quần chúng nhân dân.

Trường Sa & Hoàng Sa là của VN.

Hoan hô tinh thần Thánh Gióng của lứa tuổi U20.

10.12.07

Đinh Tấn Lực

Chung cư Nguyễn Thiện Thuật – Q3 – TPHCM