Chào Mừng 20/10 - Ngày Phụ nữ Việt Nam
Nhắc Lại Nhân Vật Nữ Của Năm 2005
. Đặng Huy Lực"Chẳng thà bị mất mạng vì sự trả thù của những con thú đàn áp đó, nhưng không thể mất quyền đòi hỏi công lý nghiêm minh"
- Mukhtar Mai.
Cách đây đúng 3 năm, vào cuối tháng 10-2005, báo Tuổi Trẻ điện tử đã đăng hai bản tin rất đáng ca ngợi ở mục Thế Giới, và cũng rất đáng để độc giả suy ngẫm hay tìm hiểu thêm. Bản tin thứ nhất viết về trường hợp bà Mukhtar Mai ở Pakistan bị cưỡng hiếp tập thể. Bản tin thứ nhì viết về giải thưởng "Người Phụ Nữ Trong Năm", do tạp chí Glamour ở Mỹ trao cho bà Mukhtar Mai.
Pakistan, còn được gọi là Hồi Quốc, sát cạnh Ấn Độ, cho tới nay vẫn còn lưu giữ hai đặc tính xã hội cổ đại: một là áp chế phái nữ; hai là phép vua thua lệ làng. Phụ nữ ở đây là nạn nhân trực tiếp và trường kỳ của cả hai tập quán thiếu văn minh và vô nhân vị đó. Họ không được đi học và không có quyền phát biểu trước đám đông. Họ thường xuyên bị sử dụng để khất nợ hay trừ nợ. Họ vẫn còn bị trừng trị bằng cách ném đá tới chết (gọi là karo-kari), về những tội danh được phán xét tùy tiện bởi các tiên chỉ trong làng, nhân danh bảo vệ chữ "danh dự" của cả làng. Đặc biệt là từ sau cuộc đảo chánh 1977 của tướng Zia ul-Haq, các đạo luật Hudood và Qisas-Diyat đã trở thành tai ương cho phái nữ ở đây. Theo luật Hudood, một phụ nữ bị cưỡng hiếp phải trình làng 4 nhân chứng phái nam để minh chứng sự kiện, bằng không thì bị coi là quan hệ nam nữ bất chính (nhiều phần là sẽ chịu án ném đá). Còn theo luật Diyat thì thân nhân của người bị giết có hai chọn lựa trước khi khiếu nại với cảnh sát: hoặc là tha thứ cho kẻ sát nhân, hoặc là nhận tiền tử và miễn tố.
Trường hợp của bà Mukhtar Mai bi thảm hơn người ta có thể mường tượng. Em trai 12 tuổi của bà bị nghi ngờ là có đi dạo với một tiểu thơ thuộc một thị tộc quyền thế trong làng Meerwala, hồi giữa năm 2002. Hội đồng tiên chỉ Jirga của làng nhóm họp và phán quyết hình phạt theo quy luật "mắt trả mắt, răng trả răng": Vấn đề "xúc phạm thế tộc" này chỉ có thể giải quyết bằng cách cho phía quyền chức được phép cưỡng hiếp tập thể đối với bà Mukhtar Mai để gỡ huề tiếng thơm cho dòng dõi của họ. Bốn người bên kia thực hiện xong luật trả thù đó trước mặt 200 người khác, còn buộc bà phải đi bộ về nhà trong tình trạng lỏa thể trước công chúng cả làng.
Hầu hết những nạn nhân bị cưỡng hiếp ở đây đã nín lặng và chọn cái chết cho đỡ nhục. Bà Mukhtar Mai không vậy. Bà không thể cúi đầu trước một băng đảng lão làng cường quyền vô đạo. Nỗi nhục bị hiếp nhỏ hơn nỗi nhục đồng lõa với cầm thú. Bà không thể dung dưỡng tội ác bằng sự câm nín. Bà quyết định đưa nội vụ ra ánh sáng công lý, cho dù bà là người mù chữ. Quyết định này đã gây chấn động toàn cõi Pakistan, và xuất hiện trên trang nhất làng báo quốc tế. Đây không chỉ đơn thuần là một vụ hình sự. Bà Mukhtar Mai đã đơn phương thách thức lại cả một hệ thống luật pháp cổ hủ, một truyền thống tộc trưởng toàn trị, một tập quán áp chế phi nhân, và một bức màn húy kỵ bao che tội ác bằng cách nhân danh "tiếng tốt" của địa phương. Bà cho rằng: "Chẳng thà bị mất mạng vì sự trả thù của những con thú đàn áp đó, nhưng không thể mất quyền đòi hỏi công lý nghiêm minh". Và bà đã thắng, nhờ dư luận hậu thuẫn cho lẽ phải. Bà đã dùng số tiền bồi thường để xây cất hai ngôi trường cho trẻ em gái ngay tại địa phương, với sự hỗ trợ của những mạnh thường quân, từ cả bên ngoài lãnh thổ Pakistan. Bà được thế giới biết đến qua lời phát biểu chân tình: "Giáo dục chính là sức mạnh... Nếu được giáo dục, người ta sẽ biết cách đấu tranh để bảo vệ lấy mình".
Nhưng không được bao lâu, những bị can trong vụ cưỡng dâm gỡ huề thế giá đó lần lượt được phóng thích vì nhiều lý do mơ hồ. Bà Mukhtar Mai lại phải tiếp tục đấu tranh để đưa vụ kiện lên tới tòa án tối cao, kể cả việc kêu gọi phụ nữ xuống đường. 14 tay vũ phu phải vào tù trở lại là điều cần thiết cho xã hội. Nhưng cần thiết hơn nữa là nguyên cả xã hội phải tỉnh thức và đồng lòng bài trừ tội ác đã lưu cửu thành truyền thống. Lẽ phải bấy giờ không ở bên cạnh bà nữa. Lẽ phải đã được chia đều cho đám đông. Lẽ phải đã thông đường bằng sức mạnh quần chúng tuy ôn hòa nhưng quyết liệt. Vụ việc bấy giờ đã lan rộng ra tới tầm quan trắc của thế giới. "Mukhtar Mai đã trở thành biểu tượng cho phụ nữ toàn cầu về lòng dũng cảm chống lại bất công trong xã hội", bà Nisha Varia của tổ chức Quan Sát Nhân Quyền Quốc Tế nhận định như vậy. Bà Mukhtar Mai đã được tuần báo Time-Asia của Mỹ vinh danh là Nữ Kiệt Á Châu (4-10-2004). Hệ thống truyền thông toàn quốc ABC của Mỹ đã xiển dương bà là Nhân Vật Trong Tuần (21-10-2005). Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã trang trọng giới thiệu bà trước dàn cử tọa sáng danh tại hội trường Lincohn ở New York (2-11-2005), trong dịp tạp chí Glamour vinh danh bà Mukhtar Mai là "Nhân Vật Nữ Của Năm 2005".Ngay cả việc xuất cảnh để đi nhận các giải thưởng, bà Mukhtar Mai cũng đã gặp những trở ngại phiền phức của một cơ chế nhũng nhiễu. Tuy nhiên, chính quyền Pakistan sau cùng cũng phải đổi mới thủ tục hành chánh và quan niệm đối ngoại để bà sang Mỹ. Điều đó tốt, nhưng không quan trọng bằng những cải cách xã hội mà chính quyền Pakistan đã phải bắt đầu thực hiện và phải sớm hoàn tất trong thời gian tới, dưới áp lực quần chúng trong nước và sự chú mục của cả thế giới.
Chủ bút Cindi Leive của tạp chí Glamour cho biết tiêu chuẩn để đoạt giải phải là người "tin rằng nữ giới có thể thực hiện bất kỳ điều gì mà mình quyết tâm, và bà Mukhtar Mai đã biểu dương đầy đủ những phẩm chất đó hơn bất kỳ ai khác".
Quyết tâm đầu tiên của bà Mukhtar Mai là bẻ gãy thói quen im lặng và chịu đựng của những người bị đàn áp: Phải nói lên khát vọng để cách tân xã hội.
Quyết tâm gióng tiếng của bà đã làm thay đổi cả lịch sử nữ quyền ở Pakistan. Bà không chỉ làm gương cho quần chúng đứng lên đòi quyền làm người và giành lại nhân phẩm. Bà còn giáo dục cả một chính quyền đang nắm nguyên vẹn hệ thống công an, quân đội và tư pháp trong tay phải hành xử sao cho xứng đáng là những con người.
Đặng Huy Lực