Mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10


Mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10 magnify

Mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10

Hồi Tưởng Về Một

Lời Từ Chối Làm Nên Lịch Sử

. Lê Bá Thạch



Vào giữa thế kỷ 20, nước Mỹ vẫn còn là biểu tượng của nạn kỳ thị da màu. Suốt dọc các tiểu bang miền Nam nước Mỹ, những nơi công cộng đều được phân định rõ ràng lằn ranh chỗ nào cho người da đen được phép bước qua. Cả công xá, quán xá cho tới xe buýt.... Nhiều nơi còn yết thị những biển báo mang đầy tính miệt thị: "Cấm người da đen và chó vào". Luật Mỹ bấy giờ ở nhiều tiểu bang còn quy rõ rằng người da đen không được làm một số công việc nhất định, không được cư ngụ ở một số khu vực nhất định, và có bổn phận phải nhường chỗ cho người da trắng trên mọi phương tiện vận chuyển công cộng. Tình trạng này đã kéo dài từ đầu thế kỷ 20, và cả hai phía màu da đã chấp nhận như một sinh hoạt "bình thường".

Cho tới ngày 1 tháng 12 năm 1955, bà Rosa Parks, 42 tuổi, người da đen làm nghề thợ may, ngụ tại thành phố Montgomery thuộc tiểu bang Alabama, quyết không chịu nhường ghế đang ngồi trên xe buýt cho một người đàn ông da trắng. Bà bị câu lưu và bị phạt 14 USD.

Trước đó đã từng có 2 người da đen đi xe buýt ở Alabama bị phạt vì tội không nhường chỗ cho người da trắng, nhưng bà Rosa Parks là người đầu tiên dám thách thức những bộ luật phân biệt chủng tộc tại Alabama lên tới Tối Cao Pháp Viện cấp liên bang. Động lực chính, theo lời bà kể lại, là vì bà tin rằng mọi người đều có quyền được đối xử bình đằng như nhau, và bà cho rằng đã phải chịu đựng tình trạng bất công đó quá lâu.

Phản ứng kế tiếp của người da đen ở thành phố này là tẩy chay hệ thống chuyên chở công cộng suốt 381 ngày, theo lời kêu gọi của Mục sư Martin Luther King Junior. Các phong trào đấu tranh bất bạo động đòi bãi bỏ sự kỳ thị da màu từ đó nổi lên khắp cả nước Mỹ, với thắng lợi sau cùng là quyền bình đẳng của mọi công dân Mỹ ngày nay, sau khi các điều luật vi hiến đã bị Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ loại bỏ. Từ đó, bà Rosa Parks được vinh danh là
Bà Mẹ Của Đấu Tranh Nhân Quyền ở Mỹ.

Kết quả to lớn cho cả nước Mỹ là vậy, nhưng để được vậy cũng không phải đơn giản: Suốt thời gian hơn 300 ngày đó, khi chấp nhận tham gia cuộc đấu tranh bất hợp tác, tẩy chay không sử dụng phương tiện công cộng đó, thì nhiều gia đình người dân da đen vốn đã nghèo lại càng khốn khó hơn. Nhiều chủ nhân đã hăm dọa đuổi việc, gây khó dễ, và liên tục tạo muôn vàn áp suất lên thợ thuyền, công nhân da đen nếu họ không đến công xưởng đúng giờ; hoặc để mất ngày làm việc (do không đủ tiền để đi đến chỗ làm bằng phương tiện di chuyển khác, nên phải xin nghỉ làm v.v....). Nhiều người, gồm cả những người cao tuổi, đã phải thức từ 3, 4 giờ sáng để đi bộ đến chỗ làm cho kịp giờ, và nhiều đôi chân đã bật máu vì phồng da, sưng tấy suốt nhiều tháng trời ròng rã quyết tâm đi bộ. Việc đi chợ phải xách nặng lại đi bộ xa, đi đến bệnh xá, các buổi hẹn v.v.... đều dùng chính đôi chân mà giải quyết trong nhiều tháng hẳn nhiên là nhiều bất tiện và tốn kém thời giờ. Trong khi phương tiện thuận lợi hơn thì lúc nào cũng ở ngay sẵn trước cửa thôi thúc chờ đón, nhưng họ đã hạ quyết tâm, nhất định không dùng.

Chưa kể, nhiều gia đình người da đen đã mất việc vì nhà ở quá xa không thể đi bộ được, nhưng trong sự nghèo khó cực khổ hơn lúc bấy giờ của lũ con cái nheo nhóc, người dân da đen đã ý thức rất rõ, là dù gia đình họ có phải gánh chịu cam khổ trước mắt của quyết định đứng lên đấu tranh bất bạo động cho quyền lợi của cả sắc dân mình, thì kết quả thắng lợi cuối cùng cũng là vì chính tương lai lâu dài của thế hệ con cháu họ mai sau!!!

Do đó, việc đứng lên vì lẽ phải và đấu tranh cho công lý lúc nào cũng có những mất mát, thiệt thòi trước mắt, nhưng sau một thời gian, sự quyết tâm hợp quần của dân chúng sẽ mang lại những tác động chuyển đổi cả lịch sử một dân tộc. Nước Mỹ không những đã công nhận quyền bình đẳng của mọi sắc dân, điều này còn được ghi rõ vào các bộ luật nghiêm cấm tội kỳ thị, và đặc biệt là ngay trong học đường, các thế hệ trẻ từ cuối thập niên 50 tới nay đã được giáo dục tốt về việc đối xử bình đẳng với các bạn đồng lứa, trước khi ra giao tế ngoài xã hội.

Cách đây vừa tròn 3 năm, bà Rosa Parks qua đời vào ngày
24 tháng 10 năm 2005, trong lúc tiểu bang Alabama đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm một lời từ chối khiến cả lịch sử và văn hóa nước Mỹ sang trang.

Chuyện kể về bà Rosa Parks được viết thành nhiều quyển sách, nổi tiếng nhất là quyển "Sức Mạnh Thầm Lặng: Niềm Tin, Hy Vọng và Trái Tim của một phụ nữ đã làm thay đổi một Quốc Gia”. Cho đến cuối đời, bà vẫn tin rằng sức mạnh đó không chỉ đến từ một lời kiên quyết chối từ, mà còn đến từ sự hưởng ứng của quần chúng trước lẽ phải.

Đây là một gương sáng cho nhân loại nói chung và cho người Việt nói riêng.

Khởi đầu từ nỗ lực chấm dứt quốc nạn cường quyền và tham nhũng, Việt Nam cần gióng giã những lời chối từ vì lẽ phải, và sự hưởng ứng của quần chúng nhân dân sau đó, cũng vì công bằng và lẽ phải, về quyền làm người.

. Lê Bá Thạch