Ngày kỷ niệm Khó chịu ở Việt Nam



Nguồn: http://blog.360.yahoo.com/blog-C6To.awlc6eMWmDUvAozkYGe?p=1931

Ngày kỷ niệm Khó chịu ở Việt Nam

Duy Hoàng

Asia Times, Ngày 10-9-2008

Các thế hệ trẻ em đi học trường Pháp đã trưởng thành trong học tập không bao giờ quên xứ Alsace-Lorraine, vùng lãnh thổ mà Pháp đã mất vào tay Prussia [một vương quốc thuộc Đức trước đây] trong cuộc chiến tranh năm 1871. Các sinh viên Trung Quốc đã lao vào một hoạt động phản kháng năm 1919 khi Hiệp ước Versailles giao Bán đảo Sán Đầu - sinh quán của Khổng Tử - cho Nhật Bản.

Đối với nhiều người Việt Nam ngày nay, các quần đảo Hoàng Sa (Paracel) và Trường Sa (Spratly) bên ngoài bờ biển phía đông Việt Nam cũng gợi lên những cảm xúc về xứ sở quê hương mình giống như vậy. Những dãy đảo này, mà quyền sở hữu thuộc về nước nào hiện đang bị tranh cãi bởi nhiều quốc gia song phần lớn được Trung Quốc và Việt Nam chiếm đóng, đã từng được nhiều triều đại Việt Nam từ những thế kỷ trước yêu sách về chủ quyền.

Hai quần đảo này đứng án ngữ những hải lộ chiến lược trên Biển Đông và được cho rằng chứa đựng dự trữ dầu lửa và khí đốt đáng kể. Mới đây, sự khôi phục lời khẳng định quyền tối cao của Trung Quốc đối với toàn bộ Biển Đông - vùng biển giữa Việt Nam và Philippines và trải dài xuống tới Indonesia - đã làm bùng lên những tình cảm dân tộc chủ nghĩa ở Việt Nam. Cùng lúc, phản ứng lặng câm của Hà Nội đối với thái độ của Trung Quốc đã kích động sự giận dữ của dân chúng trong nước và khắp các cộng đồng người gốc Việt ở hải ngoại.

Trong khi tất cả người Việt Nam, bao gồm cả những người cộng sản đương quyền, đều ý thức rất sắc bén về những thế kỷ bị thống trị bởi người láng giềng lớn phía bắc của mình, thì chế độ Hà Nội lại tỏ ra mâu thuẫn trong cách đối phó với Bắc Kinh. Họ tin cậy vào Trung Quốc để có được sự ủng hộ về chính trị, sao chép mô hình mở cửa về kinh tế cùng với hệ thống chính trị khép kín của Trung Quốc. Họ tỏ ra miễn cưỡng khi phải công khai phê phán Trung Quốc, bởi lo sợ rằng phê phán Trung Quốc là kết án chính mình.

Đối với một đảng đi tới nắm quyền lực nhân danh nền độc lập dân tộc, tính hợp pháp có được của Đảng Cộng sản Việt Nam có thể biến mất nếu như người dân nhận ra cái cách đảng này đặt quyền lợi của hệ thống cai trị của mình cao hơn lợi ích quốc gia. Trong một nền văn hóa mà lịch sử dân tộc mang ý nghĩa to lớn, có ba ngày kỷ niệm quan trọng đang đến gần gây lo ngại cho các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Sự nhượng bộ nhục nhã

Năm mươi năm trước, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã đưa ra một tuyên bố về cơ bản khẳng định toàn bộ Biển Đông như là một hồ nước nằm trong lãnh thổ của mình. Trong vòng nhiều ngày sau đó, ngày 14-9-1958, thủ tướng Bắc Việt Nam Phạm Văn Đồng đã gửi một công hàm ngoại giao tới người đồng nhiệm của mình là Chu Ân Lai, công nhận tuyên bố chủ quyền nêu trên của Trung Quốc. Động cơ thúc đẩy của những người cộng sản ở Hà Nội thực đơn giản: họ cần sự trợ giúp về quân sự của Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại Nam Việt Nam được Hoa Kỳ hậu thuẫn.

Tuy nhiên, những người cộng sản ở Hà Nội đã trao gửi những thứ không thuộc về mình. Hiệp định Paris 1954 đã chia cắt Việt Nam tại vĩ tuyến 17. Cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều nằm phía dưới vĩ tuyến 17 và về mặt pháp lý thuộc về Nam Việt Nam. Đến nay, Bắc Kinh đang sử dụng bức công hàm của ông Phạm Văn Đồng để để hổ trợ lời tuyên bố chủ quyền của họ về các quần đảo này. Tài liệu đó, thứ chưa từng có bất cứ sức thuyết phục về pháp lý nào, đang được liệt kê lên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dưới một mục với tên gọi "Sự công nhận của quốc tế về chủ quyền của Trung Quốc đối với Quần đảo Nansha [Trường Sa]".

Khi dịp kỷ niệm 50 năm sự nhượng bộ [qua bức công hàm] của ông Phạm Văn Đồng đến gần, các nhà hoạt động ở Việt Nam đang đòi hỏi nghiêm khắc rằng chính phủ Hà Nội hãy chính thức thu hồi bức công hàm ngoại giao đó. Đây là một cuộc thảo luận công khai mà nhà chức trách không muốn có và sự kiện này tiếp tục cho thấy phản ứng của chính quyền sẽ ra sao. Nếu như ban lãnh đạo phới lờ, hay thậm chí tệ hơn, ngăn chặn những đòi hỏi này, thì hành động đó sẽ thừa nhận một cái nhìn ngày càng rõ hơn rằng những người cộng sản ở Hà Nội đã đồng lõa trong việc chuyển nhượng chủ quyền những hòn đảo của Việt Nam cho Trung Quốc.

Vào tháng Mười một năm 2007, Trung Quốc đã chính thức hóa hành động thôn tín của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa bằng cách hợp nhất hai quần đảo vào một đơn vị hành chính mới được hình thành (được biết dưới cái tên "Tam Sa") thuộc tỉnh Hải Nam. Khi quyết định này được biết đến, sinh viên và giới blogger Việt Nam đã tổ chức những hành động phản kháng chưa từng thấy bên ngoài các cơ quan ngoại giao Trung Quốc tại Hà Nội và Sài Gòn. Những phản kháng này kéo dài hai tuần liên tiếp vào những ngày cuối tuần cho tới khi công an Việt Nam quấy rối và bắt giam nhiều người trong số những nhà tổ chức cuộc phản kháng.

Vào dịp kỷ niệm một năm sự sát nhập Tam Sa đang đến gần, giới trẻ Việt Nam có thể một lần nữa lại xuống đường. Lần này, liệu chính phủ có ngăn chặn các blog và bỏ tù những người dân vì hành động khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam hay không? Vào năm ngoái, Hà Nội đã trở thành một thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Nhiều người đang đặt câu hỏi rằng liệu Hà Nội sẽ sử dụng cái chức vị cao quý của mình để chủ trương cho một cuộc dàn xếp quốc tế trên Biển Đông đang tranh chấp hay không.

Gần tới ngày kết thúc cuộc Chiến tranh Việt Nam, Trung Quốc đã lợi dụng tình trạng đang yếu đi của quân đội Nam Việt Nam bằng hành động tấn công Quần đảo Hoàng Sa, nơi có quân đội [Nam] Việt Nam trú đóng. Trong trận hải chiến ngày 19 tháng Một năm 1974, và các cuộc đổ bộ của Trung Quốc sau đó, 53 lính hải quân và binh sĩ Việt Nam [Cộng hòa] đã hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ quần đảo. Chính quyền Sài Gòn đã kháng nghị phản đối hành động vô cớ xâm lược đó, trong khi chính quyền Hà Nội lại biểu thị sự ủng hộ đối với những hành động của Trung Quốc chống lại những gì mà họ gọi là "những kẻ bù nhìn của Mỹ."

Giờ đây, đã gần 35 năm qua đi, trong lúc lối tuyên truyền xưa cũ đã biến mất dần, sự đánh giá công bằng của lịch sử đã để lộ ra một sự thật không thuận lợi cho ban lãnh đạo cộng sản ở Hà Nội. Trong những ngày gian khó nhất của cuộc nội chiến, phía miền Nam mà những người cộng sản luôn lăng mạ, đã dũng cảm chiến đấu để tiếp tục giữ gìn phần lãnh thổ của tổ quốc. Điều này tương phản với phía miền Bắc thiển cận luôn chào đón nồng nhiệt hành động xâm lược của Trung Quốc đối với Hoàng Sa để đạt được những mục tiêu của cuộc chiến sắp tới hồi kết thúc.

Theo phong tục Việt Nam, ông bà tổ tiên và những anh hùng dân tộc đều được tôn kính. Gần 35 năm sau Trận chiến trên Quần đảo Hoàng Sa, giới blogger và các sử gia tại Việt Nam đang bắt đầu xem xét lại sự kiện lịch sử này. Điều này tạo ra một vấn nạn khác cho hệ thống cai trị: liệu nhà nước Việt Nam sẽ cản trở các công dân công khai bàn luận về quá khứ hay không? Các nhà chức trách sẽ phản ứng ra sao đối với những nghi lễ tưởng nhớ 53 binh sĩ và hải quân Việt Nam [Cộng hòa] đã hy sinh trong trận chiến đó?

Hai mối xung đột, một giải pháp

Hiện có hai mối xung đột thực sự đang có nguy cơ nổi lên từ những quần đảo tranh chấp trên Biển Đông. Xung đột thứ nhất là giữa Trung Quốc, Việt Nam và các quốc gia khác với quyền lợi dựa vào kết quả sau cùng.

Tình trạng đói nguồn nhiên liệu và khao khát được nổi trội trên phạm vi toàn cầu của Trung Quốc đã dẫn tới một thái hộ hiếu chiến ngày càng gia tăng, đe doạ sự tự do đi lại trên biển, các quyền đánh bắt hải sản và các hợp đồng thăm dò năng lượng. Vấn đề về Biển Đông cần được nâng lên tầm mức khu vực và tòa án quốc tế, nơi mà một cách giải quyết hòa bình khả dĩ chấp nhận đối với tất cả các bên có thể đạt được.

Xung đột thứ hai là giữa những người cầm quyền ở Việt Nam với dân chúng. Bởi vì quyền lợi và sự quan tâm của hai bên chủ yếu là không tương hợp, cách mà những người cầm quyền tại Hà Nội và nhiều người dân Việt Nam muốn phát biểu về vấn đề này là khác nhau. Cũng như trên bình diện quốc tế, ở đó cần một sự thảo luận tự do và cởi mở bên trong lãnh thổViệt Nam liên quan tới lịch sử của Hoàng Sa và Trường Sa và về các cách thức giải quyết những đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam.

Vấn đề về các quần đảo này có thể gây nên bùng nổ, và ban lãnh đạo Hà Nội biết điều đó. Trong một cuộc họp vào mùa hè này, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản đã thảo luận về những bất mãn đang gia tăng trong giới sinh viên học sinh và trí thức cùng với cách thức mà chính phủ đang phản ứng đối với hành động gây hấn của Trung Quốc, nhưng dường như vấn đề đã được đặt ra mà không có biện pháp cứu vãn.

Giải pháp đối với nan đề Biển Đông phải là sự đối thoại cởi mở, thành thực trên bình diện quốc tế và trong phạm vi Việt Nam. Chế độ ở Hà Nội phải sẵn lòng nâng vấn đề lên tới tòa án quốc tế và dân chúng Việt Nam phải có được quyền phát biểu ý kiến một cách tự do về quan điểm của họ trong vấn đề quan trọng liên quan tới quốc tế này.

Sự thất bại của Đảng Cộng sản trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam và thái độ khăng khăng của họ trong việc đàn áp các biểu hiện của chủ nghĩa yêu nước đã đánh thức mối nghi ngờ về chính tính hợp pháp trong quyền cai trị của đảng này.

Duy Hoàng là một nhà lãnh đạo của Việt Tân tại Hoa Kỳ, một chính đảng ủng hộ dân chủ, không được phép hoạt động tại Việt Nam.

Hiệu đính: Blogger Trần Hoàng