Rách Bươm Địa Võng Còn Bày Thiên La
Rách Bươm Địa Võng
Còn Bày Thiên La
. Đinh Tấn Lực
Trên đây là ảnh chụp huy hiệu của «МОСКОВСКИЙ ГОСУДАРСТВЕННЫЙ УНИВЕРСИТЕТ ИМЕНИ М.В.ЛОМОНОСОВА» - Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Mikhail Lomonosov tại Moskva (sáng lập năm 1755).
Từ năm 1992, sau khi cơn gió dân chủ từ Đông Âu thổi ngược qua Bắc Á, trường được hưởng quy chế tự quản. Trường có cả thảy 15 Viện nghiên cứu khoa học; 49 Viện bảo tàng; 1 thư viện với 9 triệu đầu sách; 1 nhà xuất bản riêng; 11.000 giáo sư, giảng viên, chuyên gia nghiên cứu; và 40.000 sinh viên hàng năm thuộc 27 phân khoa.
Riêng phân khoa báo chí đã đào tạo hầu hết số lượng ký giả phóng viên của thời Liên Xô màn sắt ngày trước và của thời Cộng hòa Nga màn the ngày nay, cộng thêm một số ký giả phóng viên, và cả chính khách, của nhiều nước thuộc Quốc tế Cộng sản cũ.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Việt Nam Đỗ Quý Doãn là một trong con số khá đông du sinh búa liềm quốc tế “vì tương lai thế giới đại đồng” vừa nói. Bên cạnh bạn Doãn còn có các đồng liêu, đồng môn, đồng khóa và đồng chí: Đinh Thế Huynh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Đăng Tuấn, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Lê Phúc Nguyên, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân; Đồng Quang Tiến, Chánh Văn phòng Hội Nhà báo; Lê Thanh Bình, cán bộ Viện Đại học Quốc gia…. Trong đó, đáng ngẫm nhất là tình đồng chí, với nhau, và với các cựu ký giả phóng viên trong hệ thống báo Sự Thật của Liên Xô cũ và Cộng hòa Nga.
Doãn ta gốc người Quảng Bình, nhưng trong thời gian du học ở Moskva, đã làm 1 bài thơ có tựa đề Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, và được nhạc sĩ Trần Hoàn (tác giả Sơn Nữ Ca) phổ thành nhạc:
“…Tiếng hát anh vút cao ..mây lẳng lặng cúi đầu ..điệu hò sông nước, xao xuyến tình đất nước …gợi nên hình của Bác …lúc tìm về Lê Nin ….
…Hát nữa đi hỡi anh…cho vọng mãi đất trời….điệu hò sông nước …xao xuyến tình đất nước…gợi nên hình của Bác … với bạn bè năm châu …
…Ngày xưa Người ra đi ..bằng câu hò ví dặm…..tìm khắp bốn phương trời con đường lên no ấm. Hôm nay trên đường đi sáng ngời theo chân Bác. Càng âm vang câu hát ơ ơ ơ hơ hơ hơ ơ…càng thắm tình nước non”.
Sau đó ít lâu, bạn Doãn về lại Việt Nam, bắt đầu “con đường lên no ấm” bằng bậc thềm tòa soạn tờ báo Bình Trị Thiên. Chớ hề “lẳng lặng cúi đầu”. Chỉ duy nhất muốn người khác làm điều đó. Để tự mình với tới nấc thang quyền lực hiện thời. Nấc kế là chỗ ngồi của quyển từ điển sống nổi tiếng trên nhiều miền thế giới bằng một định nghĩa “vọng mãi đất trời”, vang danh thế kỷ: “Quản lý là quản… có lý, bao gồm cả đạo lý và nguyên lý!”.
Báo Cáo Là Báo …Có Cáo, Bao Gồm Cả Cáo Chung Lẫn Cáo Phó:
Tạp chí Cộng sản số 11 (155), ngày 20-6-2008, có đăng lại một báo cáo quan trọng của Thứ trưởng Bộ TT-TT Việt Nam Đỗ Quý Doãn về tình hình cập nhật nền báo chí chính quy Việt Nam hiện nay (dù ở đây chỉ là một trích đoạn, nhưng cũng khá dài, rất mong các bạn chịu khó đọc lấy ý chính):
“…Xu hướng giật gân, câu khách, sa vào việc miêu tả các vụ án ly kỳ, rùng rợn, chuyện tình ái thô thiển, dung tục, tình trạng xa rời tôn chỉ mục đích không những không được khắc phục có hiệu quả mà trên một số mặt cụ thể còn có biểu hiện gia tăng; vẫn còn hiện tượng một số sách, báo chỉ quan tâm việc thỏa mãn thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng nhằm thu lợi nhuận mà không tính tới hậu quả tiêu cực do việc làm đó gây ra. Đối tượng phục vụ của báo chí, xuất bản cũng là vấn đề đáng quan tâm.
…Tình trạng phản ánh thông tin thiếu chính xác, sai sự thật, suy diễn, quy chụp một cách tùy tiện, thiếu căn cứ trên một số báo chí đang ngày càng gây nên những bức xúc cho nhiều cơ quan, địa phương, đơn vị và trong xã hội. Điều này thể hiện trách nhiệm của người làm báo chưa cao, quy trình làm báo không bảo đảm, có tư tưởng tự cho mình quyền phán quyết mà thiếu tôn trọng tính khách quan nên thường dẫn đến những sai phạm nói trên.
…Trong năm qua, vẫn còn một số trường hợp như xuất bản những cuốn sách có nội dung xấu, sai phạm về chính trị, mê tín dị đoan; tình trạng xâm hại quyền tác giả, sách lậu vẫn còn hết sức bức xúc…
…Việc thông tin thiếu chính xác, sai sự thật nhưng không cải chính hoặc cải chính không thỏa đáng vẫn là điều gây phản ứng lớn trong xã hội, biểu hiện của tư tưởng cửa quyền trong thông tin báo chí.
…Hoạt động của nhà báo và thực hiện đạo đức nghề nghiệp báo chí có những vi phạm.
…Tuy vậy, công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản nhìn chung vẫn còn những mặt hạn chế, yếu kém. Tính hiệu lực, hiệu quả, trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý chưa cao, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản trước tình hình, nhiệm vụ mới; thiếu chủ động trong định hướng chiến lược; chạy theo vụ việc, lúng túng trong quy hoạch, sắp xếp; một số nhà xuất bản, cơ quan báo chí, chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo; một số cơ chế, chính sách chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn cuộc sống. Tình trạng sách lậu, vi phạm bản quyền chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa kịp thời, thiếu nghiêm minh, dẫn đến nhiều khuyết điểm, yếu kém còn kéo dài, chậm được khắc phục”.
Tất cả được túm gọn vào một câu tổng kết mở hàng:
“Thực hiện nguyên tắc: ‘Báo chí, xuất bản nước ta đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật’, trong năm qua, báo chí, xuất bản tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng của mình trong đời sống xã hội”.
Ông Trần Quốc Thuận, Phó chủ nhiệm Văn phòng QH, từng nhận xét về tình trạng “Nói dối hằng ngày nên thành thói quen” là có cơ sở, là được bạn Doãn ta minh chứng hùng hồn bằng văn kiện đảng đấy! Tự thân của đoạn tổng kết mở đầu nói trên đã sai từ nguyên tắc (một loại định đề), lại càng xa sự thật nhiều hơn nữa ở chỗ khẳng định vị trí quan trọng… so với những đoạn dài tiêu cực trong cùng bản báo cáo nói trên.
Vậy thì, cái vị trí quan trọng theo bạn Doãn và theo đảng ta muốn có đó là gì?
Độc Quyền Chân Lý:
Doãn ta trả lời phóng viên báo Văn Nghệ:
“Có người hỏi tôi nhà ông có Internet thì khi ông ngủ ở phòng ông, con ông vào Internet ông có biết không? Tôi trả lời là không. Tôi không biết và mọi người cũng không biết. Như vậy chúng ta chưa quản lý được một đứa con của chúng ta. Vậy làm sao chúng ta quản lý được Internet của cả đất nước…Ví dụ như Talawas từ Đức thì làm sao chúng ta có thể ngăn chặn được. Chúng ta chỉ có thể cung cấp thông tin và đưa ra quan điểm đúng đắn của mình để những người truy cập nhận ra đúng sai mà thôi. Khi chúng ta đưa ra nhiều điều tốt đẹp thì những cái xấu sẽ tự phải mất đi”.
À! Thế mới hiểu ra toàn bộ cái tốt cái đẹp trong xã hội ta hiện đang được cất dấu nơi đâu. Xưa giờ cứ thấy thiên hạ thực hiện vệ sinh bằng các trang trong X toàn tập, Y toàn tập… mà không biết để cản. Đáng tiếc biết bao.
Độc Quyền Nhân Danh:
Vẫn với phóng viên báo Văn Nghệ:
“Chúng ta cần phải có những người vững về bản lĩnh và nghề nghiệp thì mới chủ trì được những đối thoại trực tuyến cần trí tuệ. Nhiều cuộc tranh luận đã được mở ra là những vấn đề rất bức xúc trong đời sống xã hội kể cả những vấn đề văn học nghệ thuật. Nếu chúng ta trao đổi một cách trung thực, công bằng, khách quan có tinh thần xây dựng và vì sự phồn vinh của dân tộc thì chắc chắn sẽ làm cho những ý kiến, những quan điểm đi ngược lại lợi ích dân tộc sẽ bị lu mờ”.
Hóa ra các buổi đối thoại trực tuyến trước giờ chỉ ở tầm nông thế à? Bảo sao nhà nước chẳng thua đậm? Bảo sao chẳng hóa rồ mà áp án khóa miệng các đối tượng, cả án trốn thuế cho thuê nhà! Rõ rồi, tất cả đều vì sự phồn vinh của dân tộc!
Rồi với phóng viên Hà Trọng Nghĩa, SGGP:
“Thông tin là phải nhắm đến mục tiêu, phải có ích cho cộng đồng, cho sự phát triển của đất nước. Trách nhiệm của nhà báo, của các cơ quan báo chí là phải góp phần giữ vững sự ổn định xã hội”.
Cho nên mới cần phải phèng la chập chả dậy trời như trống hộ đê về hoạt động âm thầm in phát truyền đơn đấu tranh bất bạo động của “bọn khủng bố”, trước khi tống xuất tất cả bọn họ về trú quán. Ổn định xã hội là huy động thanh niên áo xanh và đầu gấu áo sọc đến nhà thờ chửi thề để giải tán tập thể giáo dân tụ họp cầu nguyện bất hợp pháp. Ổn định xã hội chính là giúp cho nhân dân thấy ra nhà nước ta chọn lựa chế độ công an trị là hợp tình hợp lý. Bỏ tù những đối tượng muốn trao đổi một cách trung thực, công bằng, khách quan có tinh thần xây dựng… chính là để bảo vệ an ninh cho chính họ trước những kẻ quá khích đội nón tai bèo trong xã hội! Phải báo trước và bảo vệ để họ khỏi lâm vào cảnh hãi của Lưu Quang Vũ với Xuân Quỳnh….
Độc Quyền Quyết Định Nội Dung Thông Tin Cho Cả Nước:
Với phóng viên Kim Anh của báo Lao Động:
“Báo chí, ngoài những thông tin nóng, thông tin ban đầu… còn rất cần những thông tin chính thống, thông tin có thẩm quyền”.
“Mọi chuyện đưa lên báo đều phải được cân nhắc. Báo chí phải phản ảnh sự thật nhưng không phải bất cứ sự thật nào cũng đưa lên báo chí một cách trần trụi”.
Sự thật cũng năm bảy đường sự thật. Sự thật chưa có chữ ký và dấu mộc chính là sự thật chưa được công chứng, đó là loại thông tin không chính thống, thiếu thẩm quyền, thậm chí có khi còn là sự thật giả mạo nữa! Sự thật về cái chết của ông Võ Văn Kiệt hoặc nững vụ việc tương đương là thuộc diện này, nên không thể loan báo một cách trần trụi như một thông tin nóng được. Sự thật về đường dây 5 Cam hay PMU-18 còn phức tạp hơn nữa…
Độc Quyền Quyết Định Phương Tiện Thông Tin Cho Cả Nước:
Theo phóng viên Lê Nhung của VietnamNet:
“Ai có đi qua những khó khăn ban đầu, trải qua những thời điểm đấu tranh quyết định xem liệu Việt Nam có nên nối mạng Internet hay không, thì mới hiểu những khó khăn mà VietNamNet đã vượt qua là như thế nào, và thành tựu ngày hôm nay chúng ta có được lớn lao ra sao… Khi chúng ta muốn tiếp nhận cái mới, tiếp nhận những gì khó khăn nhất là phải dám chấp nhận dấn thân…”.
Những cân nhắc cần thiết này không đơn giản. Phải họp thường vụ trung ương chứ chẳng đùa. Việt Nam nối vào mạng Internet sẽ lợi/hại ra sao? Nếu nó giúp cho dân trí mở mang thông thoáng thì ắt nó chính là một đe dọa cực lớn cho nền cộng hòa XHCN của ta. Còn Việt Nam mà không nối vào mạng Internet thì doanh nhân nghỉ chơi, đầu tư tuột dốc. Một bên là đe dọa, còn một bên là sinh tử. Đành phải nối vậy. Nhưng vẫn phải tự hoan hô rằng đây là quyết định sáng, để làm nổi bật cái quyền quyết định đó, của đảng ta trí tuệ vô song.
Độc Quyền Mâu Thuẫn:
Vẫn với phóng viên báo Văn Nghệ:
“Trong trận địa này nếu ta không chiếm lĩnh và không có giải pháp thì các lực lượng thù địch bên ngoài sẽ chiếm lĩnh. Theo tôi, biện pháp tốt nhất là đưa nhiều thông tin của ta lên. Thế giới đang tồn tại đầy mâu thuẫn với những hệ tư tưởng xung đột. Cho nên việc tồn tại các sản phẩm trái ngược nhau của những hệ tư tưởng đó là điều bình thường. Sứ mệnh của chúng ta là bằng nhiều cách minh chứng tính đúng đắn và bản chất nhân văn của tư tưởng chúng ta”.
Bình thường, nhưng …quyết không đội trời chung (trong trận địa này)?
Độc Quyền Chỉ Định:
Với phóng viên Vân Anh, VietnamNet:
“Ở Việt Nam, chưa chỗ nào đào tạo tổng biên tập cả“.
“Trong các lớp bồi dưỡng cũng cần trang bị những kiến thức về pháp luật và những kiến thức khác”.
“Báo chí là nghề, dạy nghề là phải dạy tác nghiệp, mà muốn có những người tác nghiệp giỏi thì thầy phải là những người cũng đã tác nghiệp… Đào tạo ở mình khác các nước… đào tạo của mình là theo dạng thầy nói - trò ghi”.
Vậy mà chúng ta đang có ít nhất 702 tổng biên tập báo in, 140 TBT báo điện tử và trang tin điện tử, 67 giám đốc đài truyền hình, 813 chủ nhiệm nhà in và xuất bản, và đã cấp thẻ cho trên 15.000 nhà báo! Rất đáng xiển dương là kỳ tích Việt Nam! Thế giới còn phải hãi Việt Nam ta dài dài…
Độc Quyền Lên Lớp & Khoanh Vùng Hoạt Động:
Khi phóng viên Hoàng Dương của BBC đề cập đến lời than của ký giả trong nước rằng không được động cựa gì đến các đề tài chính trị:
“Trước hết cần phải hiểu ‘thế nào là chính trị’…” (Các đề tài như về pháp luật, các nghị quyết vẫn được báo chí đăng công khai để toàn dân tham gia ý kiến thì các nhà báo không có lẽ gì không được đăng tải).
Nói cách khác, Chính Trị = các điều luật + các nghị quyết? Nhớ chửa? Cái này nằm trên cả công thức, nó là quy luật đấy! Cái gì báo Nhân Dân đã đăng thì tha hồ luộc lại, toàn chính trị cả đấy, mà chẳng ai cấm sất.
Độc Quyền Ngồi Trên Luật Pháp:
Với phóng viên Hà Trọng Nghĩa, SGGP:
“Chưa bao giờ các nhà báo viết bài chống tiêu cực bị đối xử không công bằng… Lẽ công bằng, người tốt phải được khen thưởng, người sai phạm phải bị xử lý. ‘Pháp luật bất vị thân’, ai vi phạm cũng phải được xử lý, như vậy là công bằng chứ sao lại không công bằng? Nhà báo cũng là công dân, khi sai phạm cũng phải được xử lý”.
Cứ theo định nghĩa này thì rõ ràng quan chức không phải là công dân, vì thực tiễn đã hiển hiện quy luật: quan chức càng lớn thì càng ngồi chồng chất cao hơn trên đầu nhau và trên đầu luật pháp. Có ai cần ôn lại vụ án 5 Cam, thác ném Lạng Sơn, buôn lậu Cầu Treo, và sôi nổi gần đây là vụ PMU-18? Còn bao nhiêu mối dây trung ương chưa lần ra? Còn bao nhiêu vụ án chưa khui? Còn bao nhiêu đồng chí chưa bị lộ? Ngược lại, có ai dám công khai thăm dò công luận về các bản án bỏ sẵn túi dành cho Điếu Cày và sắp sửa dành cho các phóng viên Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải không?
Độc Quyền Đánh Giá:
Vẫn với phóng viên Hoàng Dương của BBC:
“Việc xếp hạng đó của tổ chức Tổ chức Phóng viên không biên giới (Việt Nam là một trong số 10 quốc gia đội sổ) là hoàn toàn không có căn cứ …vì quyền tự do báo chí của công dân những năm qua được bảo hộ bằng pháp luật, các vị lãnh đạo của VN luôn đánh giá cao báo chí, coi báo chí là công cụ giám sát cán bộ”.
Tức là: Khi lãnh đạo ta đánh giá cao báo chí thì điều đó tất có nghĩa rằng cả thế giới phải đánh giá cao nền báo chí của ta, bằng không thì …đích thị nó là phản động! Hai năm rõ mười là thế giới chẳng biết gì sất về tiện ích vĩ đại khi coi báo chí là công cụ giám sát cán bộ! Cũng chẳng biết ất giáp gì về cái chức năng rành rành báo chí là cơ quan ngôn luận của đảng bộ, cơ quan… Thế giới quả là ngu dưới trung bình!
Độc Quyền Tùy Tiện Phóng Tay:
Với phóng viên của VietnamNet:
“Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quản lý thông tin trên Internet, bao gồm quy định về quản lý blog cá nhân”.
Cho dù là mọi người vừa mới đọc xong bản báo cáo dằng dặc miền tiêu cực của chính bạn về hằng hà sa số những khiếm khuyết chưa khắc phục nổi trong phạm vi sách báo in giấy sờ mó được nói trên?
Độc Quyền Định Hướng:
“Chức năng quan trọng của báo chí là định hướng dư luận xã hội”.
“Càng mới, càng phức tạp bao nhiêu càng cần có định hướng phát triển bấy nhiêu”…
Y hệt như lúc đảng ta tiếp cận kinh tế thị trường vào thời hé cửa năm 1986. Nhờ định hướng XHCN cho nền kinh tế thị trường non trẻ và nỗ lực mò mẫm phi thường, mà 22 năm sau, nước ta phát triển lên đến mức sửa soạn để chuẩn bị vào tư thế sẵn sàng cất bước ra khỏi Thế Giới Thứ Ba! Nhất định sẽ trao sổ cho thằng Bắc Triều Tiên với thằng Cuba cùng đội thay ta.
Độc Quyền Thắt Thòng Lọng:
“Đây là lĩnh vực ‘mới mẻ, nhạy cảm, không thể buông lỏng quản lý’…”.
Có ai lỡ quên rằng đảng ta đã từng ra sắc lệnh, nghị định… buộc mọi người phải dừng xe lúc đèn đỏ, vào CafeNet phải trình chứng minh nhân dân, mua simcard phải đăng ký v.v…? Không thể nào buông lỏng quản lý! Cả lệnh cấm kinh doanh Karaoke, kiểm soát các điểm massage, bia ôm vườn tối, càfé đèn mờ v.v…! Và cả nghị định thành lập Trung tâm Thông tin chống Rửa tiền!
Độc Quyền Xin-Cho và Khó-Dễ:
“Quản lý ở đây không phải chỉ có việc xem xét phép tắc”… “Quy định hoạt động blog sẽ định ra những tiêu chí để người tham gia hoạt động biết việc nào mình được làm và việc nào không được làm”.
Thí dụ như chỉ được phép sử dụng hệ thống thiết kế blog của nhà nước, bởi nhà nước, cho nhà nước? Thí dụ như phải khai tên tuổi, số chứng minh nhân dân và địa chỉ nhà? Thí dụ như có quyền nộp trả các khoản phí, lệ phí, phụ phí v.v… nhưng tuyệt đối cấm thu lợi nhuận trên blog? Thí dụ như cấm quảng cáo nước hoa trên blog người khác? Thí dụ như cấm đi tin, đăng bài có thể làm mích lòng Ngài Đại sứ Trung Quốc? Thí dụ như cấm vẽ bản đồ Việt Nam? Thí dụ như cấm đề cập đến các đảo ngoài biển Đông? Thí dụ như cấm đưa tin ngư phủ Việt Nam bị tàu TQ bắn chết? Thí dụ như cấm xóa các câu còm chưởi thề bất nhã dành cho “bọn thế lực thù địch”?… Và tuyệt đối không được post bài, dịch bài, còm bài, đăng lại bài viết có ghi trong sổ bìa đen danh sách “phản động” hay “biệt kích cầm bút”, cả tây lẫn ta…?
Độc Quyền Nói Ngược:
“Quản lý để tạo điều kiện cho sự phát triển”.
“Cũng không có gì tốt, hiệu quả bằng việc người tham gia blog tự quản lý mình, ý thức rõ ràng những gì được phép và không được phép theo quy định của pháp luật khi trao đổi thông tin cá nhân, tham gia diễn đàn trên mạng”.
Như đảng ta đã từng tạo điều kiện phát triển cho nông dân thời Cải cách Ruộng đất. Hay là như đảng ta đã từng tạo điều kiện phát triển cho hệ thống Hợp Tác Xã triển khai nền kinh tế tập trung thời ngăn sông cấm chợ. Hoặc là như đảng ta, trước khi thành lập và phát triển Hội nhà thổ Việt Nam trên nhiều châu lục, đã từng tạo điều kiện cho các Hội nhà báo, Hội nhà văn phát triển thêm các nhà báo, nhà văn biết cách tự kiểm, tự duyệt, tự luồn, tự lách v.v… Có cách nào Mặt Trận Tổ Quốc thành lập một Hội nhà lốc, từ trung ương tỏa xuống địa phương và ra cả nước ngoài, để tạo thêm điều kiện phát triển thêm blogger Việt Nam không?
Độc Quyền Định Nghĩa và Giải Thích Luật Bịt Miệng:
“Nếu hiểu blog là nhật ký cá nhân thì anh chỉ nói những vấn đề hoàn toàn mang tính cá nhân. Nhưng khi anh viết những vấn đề quảng đại cho nhiều người đọc thì anh phải tuân thủ những định chế khác”.
Hóa ra ý kiến cá nhân chưa từng là, không phải là, và sẽ chẳng bao giờ là một vấn đề hoàn toàn mang tính cá nhân?
“Nếu anh hiểu blog (có nội dung đa dạng, đề cập đến cả nội dung chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước) như vậy thì không phải. Một số người không hiểu được phạm vi, mức độ như thế nào là blog. Chúng ta hoạt động trong một đất nước có chủ quyền, có pháp luật và mọi người phải tuân thủ theo pháp luật”.
Vậy thì bọn G7, EU và các nước khác của Âu-Mỹ-Úc hẳn là không thể nào có chủ quyền, không thể nào có pháp luật và mọi người ở đó chẳng ai tuân thủ theo luật pháp phỏng?
“Những blog dạng như câu hỏi đề cập (có nội dung đa dạng, đề cập đến cả nội dung chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước) không thể gọi là blog. Như vậy anh đã thiết lập các trang tin điện tử có nội dung cung cấp thông tin, biến blog của anh thành bản tin hoặc tờ báo điện tử thì anh phải chịu sự điều chỉnh khác chứ không thể gọi là blog”.
Định nghĩa và tiêu chí này ở đâu ra?
Nói cách khác: Xe tải thì chở gì cũng được, ngoại trừ hàng hóa. Khi chở hàng hóa thì nó biến thành xe hàng chứ không phải xe tải nữa, và lúc đó nó phải tuân thủ các loại luật bến cảng, bốc vác, lưu hành, mãi lộ, cơm tù, phong bao… và quan trọng nhất tất nhiên phải là luật giao thông (sắp hàng một đi sát hành lang bên lề phải)?
Độc Quyền Hoang Mang và Gây Hoang Mang:
“Tôi nghĩ rằng hiện nay, các quy định pháp lý cho việc quản lý, cung cấp thông tin trên Internet đang rất thiếu. Ví dụ, việc phân định rạch ròi các khái niệm báo điện tử, các nhà cung cấp ICP và các trang tin điện tử như thế nào chưa có quy định rõ ràng”.
“Tất cả phải trở lại với gốc của vấn đề. Loại hình đó (blog) là cái gì để chúng ta xem xét và có những quy định phù hợp. Khi quy định về blog ra đời sẽ rõ”.
Khi chưa có quy định về Blog thì sao lại nói “Những blog dạng như câu hỏi đề cập không thể gọi là blog”?
Sau Cùng Là Độc Quyền Nhổ Liếm:
Vẫn với phóng viên Hoàng Dương của BBC:
“Theo tôi, không thể có cơ quan nào có thể quản lý được hết thông tin trên mạng. Thậm chí, ngay cả báo viết, chúng tôi cũng chưa thể quản lý triệt để, huống hồ đây lại là một xã hội ảo”.
Theo kết quả nghiên cứu của Window Live Spaces của Microsoft thì blog đang là một “cơn bão” phát triển mạnh ở châu Á với tư cách là một kênh kết nối thông tin xã hội và thể hiện bản thân một cách hiệu quả. Blog ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống của hàng triệu cư dân mạng:
- 46% dân số trực tuyến của châu Á có blog của riêng mình;
- 74% cho rằng trao đổi với gia đình, bạn bè qua blog là thú vị nhất;
- 41% tiêu tốn hơn 3 giờ một ngày cho blog.
Mới biết cái xã hội ảo này cực kỳ bao la, bí ẩn, quyến rũ, đầy biến hóa và vô cùng năng động. Không ai ngạc nhiên về chuyện pótay.com mỗi khi chính quyền lăm le sờ mó tới nó, bất kỳ là chính quyền nước nào.
Rách Bươm Địa Võng Còn Bày Thiên La
Thế đã rõ bảy ba hăm mốt:
§ Nhà nước bất tài, kém trí thiểu năng, nhưng vẫn vẽ chuyện, lập thêm Cục để chia ngân sách, quả là khó truyền vì bởi chẳng thông; Tào Tháo gọi nó là cái xương gà là vậy!
§ Quản lý sách báo in và 15.000 thẻ nhà báo chưa đâu vào đâu, báo cáo tiêu cực chảy dài như mặt ngựa, lại đòi ba triệu bloggers dân báo sắp hàng một, đi đều bước, theo hành lang bên phải trên môi trường ảo… là có duy ý chí quá không?
§ Doãn ta dù chưa biết làm gì, làm với ai, làm ra sao, làm tới đâu, nhưng vẫn gồng gánh lên gân theo truyền thống thúng rách úp voi. Cũng không một ai dám chắc rằng điều này nằm trong chương trình giảng dạy của trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Mikhail Lomonosov tại Moskva thượng dẫn, nhất là khi được biết trường này có cả thảy 49 Viện Bảo Tàng để cất giữ đồ cũ hết xài.
Blogger Hien H đang treo cái Blast cực kỳ thời sự: “Hết thời ra ngõ-anh hùng / Đến thời lên mạng-giang hồ vo ve…”.
Ông Trần Quốc Thuận, Phó chủ nhiệm Văn phòng QH nói:
“Cơ chế hiện nay đang tạo kẽ hở cho tham nhũng, vơ vét tiền của của Nhà nước. Không tham nhũng mới là lạ! Nhưng cái mà chúng ta mất lớn nhất lại không phải là mất tiền, mất của, dù số tiền đó là hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ. Cái lớn nhất bị mất, đó là đạo đức. Chúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối với nhau để sống… Nói dối hằng ngày nên thành thói quen. Thói quen đó lặp lại nhiều lần thành ‘đạo đức’, mà cái ‘đạo đức’ đó là rất mất đạo đức”.
Làng nước ơi! Cái cơ chế phi nhân vô đạo đó đang đòi Quản Trị Blog Để Tạo Điều Kiện Phát Triển kìa!
Hãy đợi đấy. Có ai muốn cá cược 1 ăn 10 không nào? (Cấm cá độ bằng tiền dự án nhá!)
Lời cuối: Vừa phải thôi! Gồng mà chi, cưng. Láo mà chi, cưng. Dẹp đi Doãn! Đi uống càfé cho tỉnh ngủ, Doãn này!
10-10-2008 - kỷ niệm 34 năm ngày Ký Giả Ăn Mày, đâm hoang mang, chợt nhớ đến các Ký Giả Ăn Đòn 2008, sau vụ PMU-18. Nhớ cả Điếu Cày.
Blogger Đinh Tấn Lực.
*Chú thích:
§ Tất cả các dòng chữ mực đỏ trong bài đều là lời vàng ý bạc của Doãn.
*Có thể tham khảo thêm: Doãn Ơi! Ta Bảo Doãn Này…